Hậu quả của biến đổi khí hậu
Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2022 của Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), đến năm 2030, thế giới có thể phải “gánh” tới 560 thảm họa thiên nhiên mỗi năm, tương đương 1,5 thảm họa/ngày. Đây là hậu quả từ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường khiến nhiệt độ Trái đất ấm lên. UNDRR cho biết, trong hai thập niên qua, mỗi năm thế giới ghi nhận từ 350 đến 500 thảm họa thiên nhiên từ mức trung bình đến nghiêm trọng. Con số này nhiều gấp năm lần mức trung bình trong 30 năm trước đó. Tần suất và mức độ thảm họa trong 5 năm qua đã cướp đi sinh mạng và ảnh hưởng nhiều người hơn 5 năm trước đó và có thể đẩy thêm 100 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo năm 2030, trong đó có 37,6 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. UNDRR nêu rõ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các thảm họa do hạn hán, nhiệt độ cực đoan và lũ lụt kinh hoàng có thể xảy ra với tần suất cao hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, chính phủ các nước chưa đánh giá đúng tính chất và tác động của các thảm họa thiên nhiên đối với tính mạng và sinh kế của con người. UNDRR khẳng định, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng thảm họa trên toàn cầu là do nhận thức chưa đúng của con người về các nguy cơ. Điều này dẫn đến việc ban hành các quyết định về chính sách, tài chính và phát triển chưa thật sự chính xác. Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed nhấn mạnh, con người đang tự đẩy mình vào “vòng xoáy của tự hủy diệt”, bởi các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, thiên tai trên thế giới đã “thổi bay” 170 tỷ USD mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Thiệt hại chủ yếu xảy ra ở các nước có thu nhập thấp, trung bình mỗi năm mất 1% GDP, cao hơn nhiều so mức 0,1 - 0,2% mà các nước giàu phải gánh chịu.
Báo cáo của UNDRR cho thấy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất và mức thiệt hại sẽ tỷ lệ thuận với tần suất xảy ra thiên tai. Đơn cử như tại Philippines, hàng triệu người vẫn đang phải chật vật khôi phục cuộc sống sau khi bão Rai đổ vào nước này hồi tháng 12/2021, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người và làm hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây thiệt hại khoảng 500 triệu USD.
Những nỗ lực giảm ô nhiễm
Một số quốc gia đang tích cực nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, dù vẫn là chưa đủ để giảm ô nhiễm và làm chậm sự nóng lên của Trái đất. Theo Báo cáo giám sát năng lượng toàn cầu (GEM) vừa được công bố, số lượng các nhà máy điện than trên thế giới đã giảm trong năm 2021, tuy nhiên than đá vẫn là tác nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu vì tạo ra lượng khí thải CO2 lớn. Kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, tổng công suất của các nhà máy điện than đang xây dựng hoặc dự kiến triển khai đã giảm 75%, trong đó năm 2021 giảm 13% so năm trước đó, xuống còn 457 gigawatt (GW). Trên toàn cầu có hơn 2.400 nhà máy điện than đang hoạt động tại 79 quốc gia, với tổng công suất 2.100 GW. Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đạt kỷ lục cắt giảm công suất các nhà máy điện than với 12,9 GW, trong đó ghi nhận mức giảm 5,8 GW ở Đức, 1,7 GW ở Tây Ban Nha và 1,9 GW ở Bồ Đào Nha, hoàn thành mục tiêu cắt giảm trước thời hạn chín năm.
Ai Cập đang tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất hydro xanh, với mục tiêu trở thành tuyến đường trung chuyển năng lượng sạch tới châu Âu và thế giới. Theo đó, Công ty Hassan Allam Utilities (HAU), một đơn vị đầu tư và phát triển của Tập đoàn công nghiệp xây dựng Hassan Allam Holding hàng đầu của Ai Cập và Công ty năng lượng tái tạo Abu Dhabi Future Energy Company (Masdar) của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nhất trí hợp tác phát triển các nhà máy sản xuất hydro xanh tại Khu kinh tế kênh đào Suez và trên bờ Địa Trung Hải của Ai Cập. Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất 480.000 tấn hydro xanh/năm.
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng vừa ký thỏa thuận cho phép tăng cường hỗ trợ các dự án ứng phó biến đổi khí hậu ở Mỹ latin và Caribe, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực này. Thỏa thuận đặt mục tiêu cải thiện quá trình thi công và giám sát các dự án đầu tư công trong khu vực Mỹ latin, hỗ trợ các tổ chức tư nhân trong tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu.