Lập lại trật tự vỉa hè

Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang vỉa hè của người đi bộ đã nhiều lần được phản ánh trong những năm gần đây. TP Hà Nội cũng rất quyết liệt chỉnh trang đô thị cho sạch đẹp, văn minh. Thế nhưng dường như chưa đủ độ quyết tâm để đưa việc này vào nền nếp.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang người đi bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang người đi bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Tràn lan vi phạm

Quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một chủ trương đúng đắn và cần thiết của thành phố trong việc thiết lập và chỉnh trang đô thị. Nhưng nhiều năm qua, hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè vẫn ngang nhiên diễn ra. Lợi nhuận khổng lồ “một đồng vốn, bốn đồng lời” từ vỉa hè khiến người ta giành giật nhau từng cm, thậm chí tuyến phố văn minh cũng bị “chia năm xẻ bảy” để phục vụ lợi ích của các hộ kinh doanh có mặt tiền trên phố. Ở Thủ đô “tấc đất, tấc vàng” là vậy.

Chẳng biết từ khi nào, vỉa hè của nhiều con phố trở thành nơi kinh doanh, buôn bán chứ không phải để dành cho người đi bộ. Thí dụ như phố Đinh Lễ lúc nào cũng ngồn ngộn sách lấn hết lối đi. Phố Lương Văn Can, phố Hàng Cân “đánh chiếm” vỉa hè của người đi đường bằng những sạp đồ chơi bày ra sát lòng đường… Cùng với đó là những bãi trông xe tự phát xuất hiện, mạnh ai người ấy quản không theo bất kỳ quy định nào, đặc biệt ở các tuyến phố khu vực trung tâm nội thành như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Mã, Phùng Hưng, Cầu Gỗ… hay những khu vực có bệnh viện lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu (quận Hoàn Kiếm) cho biết, sau dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh doanh được hoạt động trở lại. Nhiều hàng quán vi phạm, lấn chiếm nhưng không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Họ chiếm dụng vỉa hè, kê bàn ghế bán hàng, xếp xe cho khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Một số cửa hàng kinh doanh ăn uống không chỉ chiếm dụng vỉa hè trước cửa nhà mà còn sang vỉa hè bên đường kê bàn ghế, xếp xe cho khách khiến người dân đi lại rất khó khăn.

Lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh là thực trạng đã và đang diễn ra tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội hiện nay. Thế nhưng bất chấp quy định, các hộ kinh doanh vẫn thản nhiên bày hàng quán, bàn ghế, trải chiếu… lấn chiếm vỉa hè nhằm kinh doanh, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Không chỉ thế, sự tồn tại của các hàng quán và ý thức kém của một số người dân đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan của thành phố. Một lượng rác thải không nhỏ từ các quán nước, quán ăn lấn chiếm vỉa hè đã bị vứt thẳng xuống dưới lòng đường.

Cần thay đổi cách làm

Quản lý và sử dụng vỉa hè trên toàn bộ các tuyến đường tại Hà Nội nói riêng và các đô thị khác trên cả nước nói chung được ví như “căn bệnh nan y” mà các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết thấu đáo. Hiện tại, việc quản lý vỉa hè gần như “mạnh ai nấy làm” khi Sở Giao thông vận tải quản lý lòng đường, kiểm tra xử phạt lại là thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận cấp phép sử dụng vỉa hè, UBND phường kiểm tra, xử phạt việc lấn chiếm vỉa hè… nên không có sự thống nhất, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quản lý.

Những năm qua, Hà Nội luôn phấn đấu thực hiện theo khẩu hiệu “trật tự, văn minh, hiện đại”, với mong muốn làm cho đô thị khang trang, sạch đẹp, thế nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa mang lại hiệu quả cao. Thỉnh thoảng, thành phố lại ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm, thiết lập lại hành lang cho người đi bộ, nhưng chỉ một thời gian sau thì đâu lại vào đấy. Bởi khi lực lượng chức năng vắng bóng, vi phạm lại lập tức diễn ra. Vòng luẩn quẩn này cứ thế diễn ra từ năm này qua năm khác mà chưa có sự cải thiện rõ rệt, dẫn tới nhờn luật.

Nguyên tắc “vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho các phương tiện xe cộ” là không thay đổi, nhưng cần sự quản lý linh hoạt để thực hiện ý định lâu dài. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang xử lý theo tình thế, trong khi cơ sở hạ tầng đô thị tại Hà Nội đang ngày càng quá tải. Người dân có nhu cầu kinh doanh, nhu cầu để xe thiết yếu giống nhu cầu ăn mặc hằng ngày, vì thế cấm mãi cũng không được bởi nhiều vi phạm do thói quen, do trình độ dân trí, do cơ sở hạ tầng không đầy đủ, không đáp ứng được nhu cầu người dân. Chưa kể, mức thu nhập cũng như mức sống của một bộ phận người dân không đồng đều, thiếu ổn định, nhiều gia đình vẫn phải “bám” vỉa hè mưu sinh. Do đó, về lâu dài, thành phố phải quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, có quy hoạch đúng đắn, đồng thời tuyên truyền, nâng cao trình độ dân trí để người dân không tận dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kiếm kế sinh nhai hay kinh doanh buôn bán.

Khoản 4, Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định rõ kích thước vỉa hè chuẩn dành cho người đi bộ, cùng với những quy định về mức phạt khi các hộ dân cố tình sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra tại nhiều nơi.