Lao động nghèo chật vật khi giá cả tăng cao

Bão giá vẫn liên tục càn quét thu nhập của những người lao động nghèo. Nhiều người than thở, cuộc sống của họ sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với bùng dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động đang chật vật khi giá cả hàng hóa tăng cao. Ảnh: SONG ANH
Người lao động đang chật vật khi giá cả hàng hóa tăng cao. Ảnh: SONG ANH

Khổ hơn cả thời kỳ dịch bệnh

Tôi gặp chị Ngô Thu Trang (27 tuổi, quê Thanh Hóa) trong khu nhà trọ giá rẻ dành cho công nhân Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Là công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng, chị tạm hài lòng với căn phòng trọ chỉ rộng chừng 10m2. Đang giờ chuẩn bị cơm trưa, nhưng khu trọ yên lặng như tờ. Chỉ có tiếng lách tách nơi chị Trang đang nấu ăn, cùng tiếng kêu cọt kẹt của chiếc quạt “thương binh” gần chục năm tuổi trong phòng.

“Công nhân ở khu này bỏ về quê gần hết rồi, vì cuộc sống khó khăn quá”, chị Trang nói, “giá cả bây giờ cái gì cũng nhảy dựng lên, từ tiền thực phẩm, tiền điện đến tiền xăng, mà lương công nhân vẫn chỉ 6, 7 triệu đồng mỗi tháng. Bây giờ chúng tôi sống còn khổ hơn cả hồi dịch bệnh bùng phát nữa, vì lúc ấy vẫn được đi làm, vẫn có lương, lại còn được hỗ trợ tiền nhà và thực phẩm khá nhiều”.

Mâm cơm trưa của chị Trang chỉ có một bát cơm nhỏ, một đĩa đậu bắp luộc và một bát giò lợn. Một ngày ba bữa như thế, vậy mà tiền ăn tháng nào cũng xấp xỉ 3 triệu đồng trở lên. Tiền xăng thì tăng gấp đôi, từ 100 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/tháng. Tiền trọ, tiền điện và tiền nước cộng lại mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Tính thêm khoản tiền gửi về quê cho cha mẹ, mỗi tháng chị chỉ tích cóp được vài trăm nghìn lẻ. Tháng nào dưới quê có cỗ cưới, ma chay là xác định phải vay thêm mới đủ xoay xở.

Chị Trang kể, muốn làm tăng ca cũng không xong, vì không có việc mà làm. Tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp tại KCN Thăng Long vẫn ảm đạm. Những biến động về địa chính trị thế giới khiến nhu cầu về hàng xuất khẩu của nhiều nước giảm, nên số đơn hàng từ đó cũng giảm theo. Hai tháng nay, số ngày nghỉ của chị Trang nhiều hơn số ngày đi làm. Mà nghỉ thì chỉ được hưởng 50-70% lương, nên có những tháng chị còn không nhận đủ lương cơ bản.

Có cùng ý định bỏ phố về quê là Lý Văn Vũ (19 tuổi, quê Tuyên Quang) ở phòng trọ đối diện. Sau gần nửa năm làm việc ở KCN Thăng Long, cậu thanh niên trẻ đã không còn đứng vững trước cơn bão giá đang liên tục càn quét khu trọ nghèo. Tháng vừa qua, hầu như ngày nào Vũ cũng chỉ nằm ở phòng xem phim, lướt TikTok hoặc chơi điện tử vì không có việc làm. Phòng trọ chưa đầy 15m2 của Vũ đặc quánh mùi ngai ngái của mồ hôi quyện cùng mùi chua của bát đĩa lâu ngày không rửa. “Em vừa bán xe đạp hôm qua để mua thêm mấy thùng mì ăn liền. Phần vì túng quá, phần vì cũng xác định không ở lại nữa”, Vũ nói, “bây giờ chỉ chờ bố mẹ gửi tiền lên để trả nốt tiền nhà tháng này là em về”.

Vũ bỏ học, xa nhà rồi lên Hà Nội đi làm sớm để hỗ trợ thu nhập cho gia đình và để nuôi ước mơ mở một cửa hàng quần áo ở quê. Nhưng tự mình lăn lộn ở một vùng đất xa lạ có vẻ là thử thách quá sức với cậu thanh niên chưa tròn 20 tuổi. “Ban đầu em cứ tưởng còn trẻ, còn khỏe thì việc gì cũng làm được. Hóa ra kiếm sống ở Hà Nội khó hơn em tưởng nhiều, anh ạ”, Vũ cười buồn.

Chị Trang và Vũ là hai trong rất nhiều công nhân tại khu trọ từng hy vọng vào một cuộc sống khấm khá hơn khi đại dịch qua đi. Thế nhưng, cơn bão giá đã cuốn phăng những người lao động nghèo khỏi “miền đất hứa” của nhiều lao động ngoại tỉnh.

Mỗi lần đổ xăng, một lần xót ruột

Chỉ trong hơn hai tháng qua, giá xăng, dầu đã trải qua bảy đợt tăng giá, từ 27.134 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 27.992 đồng/lít với xăng RON 95 lên 30.890 đồng/lít (E5 RON 92) và 32.760 đồng/lít (RON95). Với mức tăng phi mã, liên tục lập đỉnh mới của giá xăng dầu hiện nay, những lao động hành nghề xe ôm công nghệ là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Suốt ba năm chạy Grab ở khu vực bến xe Mỹ Đình, anh Trần Xuân Hồng (42 tuổi, quê Hà Nam) chưa bao giờ phải trả quá 1,5 triệu đồng tiền xăng mỗi tháng. Thế nhưng hai tháng nay, tháng nào chiếc Wave Alpha cũng “ngốn” của anh gần 4 triệu đồng tiền xăng.

“Tiền đổ xăng mỗi ngày của tôi bây giờ còn hơn cả tiền ăn”, anh Hồng nói, “ít nhất là 120 nghìn đồng/ngày, bằng bốn bát phở. Hôm nào phải đi những chuyến xa ra ngoại thành thì phải trăm rưởi, gần hai trăm nghìn tiền xăng. Mỗi lần đổ xăng là xót hết cả ruột”.

Tháng chạy xe “căng” nhất cũng đem lại cho anh Hồng khoản thu nhập từ 15-16 triệu đồng. Nhưng trong đó là gần 4 triệu đồng tiền xăng, 8 triệu đồng gửi vợ để lo chi phí cho hai đứa con đang tuổi ăn học và một bé sơ sinh vừa mới chào đời. 3-4 triệu đồng còn lại là tiền ăn và tiền sửa, bảo trì xe nếu xảy ra hỏng hóc. Giỏi lắm thì một tháng anh tiết kiệm được một hoặc

2 triệu đồng. Tháng nào con ốm, phải thêm tiền thuốc men thì xác định là cháy túi. Thức đêm, dậy sớm để chạy “tăng ca” cũng không ăn thua, vì tiền kiếm được nhiều hơn thì tiền xăng và tiền chiết khấu cũng tăng lên gần như tương đương.

“Xót, xót lắm! Làm chở hàng thuê như tôi thì một tháng kiếm được nhiều lắm là 10 triệu đồng. Thế mà tiền xăng mỗi tháng cứ 3, 4 triệu đồng thế này thì khó sống quá”, chị Vũ Thị Vân (45 tuổi, quê Nam Định) than thở. Để thích nghi, chị phải chú ý đến mọi tiểu tiết có thể giúp tiết kiệm xăng. Chẳng hạn như trước khi khởi hành, lốp phải căng hoàn toàn, vì lốp non thì phải vặn ga mạnh hơn cho xe chạy, tốn xăng hơn; khi chạy phải luôn giữ tốc độ ổn định, không rồ ga phóng nhanh vượt ẩu; chỗ nào có đèn đỏ thì phải nhả chân ga từ xa để xe từ từ chậm lại, vì phanh gấp cũng làm hao xăng xe… “Trước giờ tôi chỉ hà tiện trong việc ăn uống, sinh hoạt. Không ngờ có ngày phải hà tiện đến cả cách đi xe máy thế này”, chị Vân cười.

Chờ thêm những giải pháp kịp thời

Thị trường lao động Việt Nam sau khi đại dịch hạ nhiệt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý I/2022, lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 440 nghìn người so quý IV/2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,1%, tăng 0,4% quý trước. Số người lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so cùng kỳ năm trước.

Nhưng cùng với đó, áp lực về giá cả cũng tăng theo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so tháng trước; tăng 3,18% so tháng 12/2021 và tăng 3,37% so cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so quý II/2021. Bình quân sáu tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so tháng trước, tăng 1,98% so cùng kỳ năm trước. Bình quân sáu tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so cùng kỳ năm 2021.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã bắt đầu triển khai một số giải pháp để hỗ trợ người lao động vượt qua cơn bão giá. Ngày 1/7, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động của Chính phủ chính thức được áp dụng. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180 nghìn - 260 nghìn đồng) so mức lương tối thiểu hiện hành. Đây là đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm giúp đỡ người lao động vượt qua thời điểm khó khăn về giá cả hiện nay.

Cũng trong ngày 3/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương 100% kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 3/7, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Bộ Tài chính hy vọng động thái này sẽ hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá xăng, dầu và ổn định lạm phát.