Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm

Là ngành quan trọng vừa chăm sóc sức khỏe, bảo vệ người dân khi có rủi ro; vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung; nhưng do tăng trưởng “nóng”, những năm gần đây lĩnh vực bảo hiểm đã bộc lộ nhiều vấn đề, cần có giải pháp siết chặt quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên viên bảo hiểm tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Nhịp Sống Kinh Tế
Chuyên viên bảo hiểm tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Nhịp Sống Kinh Tế

Tăng trưởng “nóng” làm nảy sinh bất cập

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm cả nước ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so năm 2021. Quy mô doanh thu này đã lớn gấp ba lần so năm 2015, nhờ đà tăng trưởng đều đặn hai chữ số được duy trì qua các năm. Trong đó cả hai mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều tăng, lần lượt là 11,8% và 16,8% so với năm 2021.

Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày một vững chắc. Năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành này ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so năm 2021. Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm lên tới hơn 64.000 tỷ đồng, tăng 23,29%.

Ngoài chức năng chính là chi trả quyền lợi bảo hiểm, ngành bảo hiểm còn đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 656.000 tỷ đồng, tăng 12,56% so năm 2021. Đặc biệt, những năm gần đây, mảng doanh thu bảo hiểm do ngân hàng trực tiếp bán (qua các công ty bảo hiểm do ngân hàng thành lập) và bán chéo cho công ty bảo hiểm (bancassurance) còn mang về nguồn lợi không nhỏ cho các ngân hàng. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng tăng 45%; tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so năm 2021.

Tuy vậy, chính sự tăng trưởng có phần “nóng” này cũng là nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm ở

Việt Nam xuất hiện một số bất cập. Tình trạng ngân hàng thương mại chạy theo nguồn lợi bán chéo bảo hiểm nên đã giao chỉ tiêu (KPI) cho nhân viên, nhân viên ngân hàng chạy theo KPI nên có hành vi chèo kéo, ép khách mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, tư vấn lập lờ khiến nhiều khách hàng nhầm tưởng bảo hiểm là sản phẩm tiết kiệm, đầu tư sinh lời lớn…

Tình trạng này đã được nhiều người dân, đại biểu Quốc hội phản ánh, Bộ Tài chính đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo. Nhưng phải đến khi xảy ra một số vụ “lùm xùm” hợp đồng bảo hiểm thì câu chuyện bất cập của thị trường bảo hiểm mới được “xới xáo” lên một cách triệt để.

Gần đây nhất, tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh chiều 4/5, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang tiếp nhận và xử lý thông tin đối với các đơn tố giác sản phẩm Tâm An Đầu Tư, sản phẩm liên kết giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife và SCB.

Trước đó, báo chí đưa tin, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ từ khách hàng tố cáo về việc gửi tiền tiết kiệm SCB nhưng bị “hô biến” sang mua bảo hiểm Manulife. Các đơn tố cáo phản ánh nhân viên ngân hàng tư vấn gói bảo hiểm như một sản phẩm tiết kiệm tặng kèm nên nhiều người đã bị lừa…

Cần giải pháp “xốc lại” thị trường bảo hiểm

Tại nhiều cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) rà soát, siết chặt quy định về bảo hiểm và xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường.

Từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng nhận phản ánh vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Kết quả đến ngày 25/4/2023, riêng về kênh bancassurance, đường dây nóng đã nhận được 192 phản ánh qua điện thoại và 299 phản ánh qua email. Bộ Tài chính cho biết đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, việc thiếu minh bạch, thậm chí gian dối trong hoạt động bảo hiểm sẽ khiến người dân tẩy chay và ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của thị trường này. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư, quy định hướng dẫn triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm; NHNN cần tiếp tục rà soát các văn bản để quản lý hoạt động bancassurance hiệu quả hơn.

Trong một phát biểu mới đây, ông Lê Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP TC Advisors (TCA - công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức) cho biết, trong ba công cụ tài chính cơ bản là tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư, người mua bảo hiểm cần hiểu rằng đối với một hợp đồng bảo hiểm thì chức năng quan trọng nhất là bảo hiểm (tức bảo vệ khi rủi ro), còn chức năng tiết kiệm và đầu tư (nếu có) chỉ là phụ.

Bởi vậy, trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần hiểu rõ điều này và lưu ý một số điều chính yếu: vai trò của khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm (là người được bảo hiểm hay người thụ hưởng), các quyền lợi liên quan bảo hiểm (quyền lợi bồi thường tử vong, quyền lợi chăm sóc y tế…), thời hạn đóng phí, thời hạn được bảo vệ… “Khách hàng cần “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, như đối với bất cứ loại hàng hóa nào, ông Hải nói.

Ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Trong thời gian chờ Luật có hiệu lực (ngày 1/1/2023), Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự thảo Thông tư hướng dẫn.

Bộ cũng sẽ rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực này.