Lãng phí tài nguyên đất

Nhiều năm qua, quy hoạch treo không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng xảy ra tình trạng tương tự. Việc lãng phí tài nguyên đất đai không chỉ khiến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng mà cuộc sống của hàng nghìn người dân cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. 

Nhiều dự án chậm triển khai nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Nhiều dự án chậm triển khai nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Những dự án trên giấy

Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm không phải là mới, dù luôn nhận được sự quan tâm của người dân, lãnh đạo các địa phương. Không ít giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với từng trường hợp vi phạm đã được đưa ra, thậm chí cả cảnh báo, nhưng rồi mọi chuyện vẫn “đâu lại vào đấy”.

Dọc hai bên đường xã Tiền Phong đến trung tâm Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh (Hà Nội) là những dự án bị bỏ hoang từ chục năm nay. Những mảnh đất từng là “bờ xôi ruộng mật” trước kia, nay hoang hóa, để cỏ mọc um tùm và trở thành địa điểm chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Hơn chục năm trước, hàng loạt dự án lớn từng gây “tiếng vang” với nhiều giao dịch mua bán trên thị trường bất động sản. Những dự án như Hà Phong, CEO, Cienco 5, Diamond Park, Tiền Phong, AIC, Minh Giang-Đầm Và, Quang Minh và một số dự án khác… đã biến nơi đây thành miền đất hứa cho những ai muốn đầu tư, sinh lời từ đất đai. Chỉ có điều, những ước mộng ấy đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực, do hàng trăm nghìn tỷ đồng trên giấy đó vẫn án binh bất động. Hiện tại, các chủ đầu tư được giao đất để triển khai dự án tại những khu này vẫn không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Người dân tiếc ruộng đất cha ông bị bỏ hoang, lại tiến hành gieo cấy, trồng hoa màu ngắn ngày để khỏi lãng phí, còn bao giờ nơi đây trở thành đô thị thì không ai biết.

Vùng ngoại thành khó triển khai đã đành, nhưng ngay cả những khu vực quận nội đô, nơi có vị trí đắc địa vẫn còn nhiều dự án được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng triển khai rất chậm, thậm chí là đứng im. Điển hình như khu đô thị An Dương và dự án Sông Hồng City (quận Tây Hồ); dự án D’San Raffles tại số 22-24 Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng); Trung tâm thương mại Đền Lừ, Bệnh viện đa khoa Quang Trung (quận Hoàng Mai); khu văn phòng và nhà ở số 2-4 phố Đội Nhân (quận Ba Đình); khu đô thị Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); “siêu dự án” tổ hợp chung cư Booyoung Vina (quận Hà Đông)… vẫn đang bị bỏ quên trên giấy.

Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên địa bàn Hà Nội đang có hàng trăm dự án “ôm đất” dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm vẫn chưa bị thu hồi. Trong đó, có những dự án chậm triển khai tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần.

Bao giờ xử lý dứt điểm?

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, nhân dân xót xa khi thấy dự án, mảnh đất rất rộng bỏ hoang đến hàng chục năm. Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt, xét xử, vì khi xảy ra rồi thì việc xử lý không còn nhiều hiệu quả nữa. Trong khi ấy, tình trạng để đất bỏ hoang vẫn diễn ra mà chưa có biện pháp nào khắc phục triệt để.

Có thể thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai đã trở nên phổ biến, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đua nhau lập dự án, chạy theo quy hoạch nhưng không có đủ năng lực tài chính để thực hiện, từ đó sử dụng sai mục đích, hoặc cho thuê lại đất, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, để đất đai bỏ hoang… Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và vì sao những dự án vi phạm Luật Đất đai chưa thể xử lý dứt điểm?

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân khách quan chủ yếu do quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng phải điều chỉnh theo. Ngoài ra, chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài. Nhiều quy định về quản lý đất đai có sự xung đột pháp luật hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp… Đặc biệt, giá đất theo quy định của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp và sát với giá đất thị trường, khung giá đất chưa bám sát diễn biến quan hệ cung cầu của thị trường đã dẫn đến những khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng như thực hiện triển khai dự án. 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều nội dung chồng chéo, bất cập nên Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi. Để bảo đảm thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã kiến nghị trình Quốc hội hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan bất động sản; cùng với các địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư triển khai dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.