Theo Reuters, trong bài phát biểu vào đêm giao thừa chào năm mới 2024, Nữ hoàng Margrethe II cho biết: “Tôi quyết định giờ là thời điểm thích hợp để thoái vị vào ngày 14/1 tới để nhường ngôi cho Thái tử Frederik. Tôi đã làm Nữ hoàng Đan Mạch được 52 năm. Thời gian như vậy sẽ để lại dấu ấn đối với bất kỳ ai. Thời gian trôi qua và tôi không thể quán xuyến công việc được như trước đây”.
Ngay sau thông báo của Nữ hoàng Margrethe II, Văn phòng Thủ tướng Đan Mạch ra tuyên bố, Thái tử Frederik sẽ kế vị ngai vàng, trở thành Vua Frederik X vào tháng 1/2024. Sau cuộc họp tại Hội đồng Nhà nước, Thủ tướng sẽ tuyên bố việc thay đổi vương vị tại lâu đài Christiansborg.
Trước đó, trong bài phát biểu kỷ niệm nửa thế kỷ trị vì của mẹ mình vào năm 2022, Thái tử Frederik từng chia sẻ: “Khi thời điểm đến, tôi sẽ chèo lái con tàu”. Với việc trở thành Quốc vương, ông Fedrerik sẽ đại diện cho nền quân chủ được ước tính đã tồn tại hơn 1.000 năm và là một trong những hoàng gia lâu đời nhất thế giới.
Thái tử kế vị Frederik André Henrik Christian năm nay 55 tuổi, là con trai cả của Nữ hoàng Margrethe II và Quận công Henrik. Em trai ông là Hoàng tử Joachim. Thái tử kế vị kết hôn năm 2004 với Công nương Mary Donaldson và có bốn người con, gồm Hoàng tử Christian, Công chúa Isabella, Hoàng tử Vincent và Công chúa Josephine. Gitte Redder, một chuyên gia về Hoàng gia Đan Mạch cho biết, khi còn trẻ, Thái tử kế vị Frederik là một thanh niên có xu hướng “nổi loạn”, luôn khó chịu với sự chú ý của giới truyền thông và cuộc sống hoàng gia. Ông cũng từng giận cha mẹ vì không thể chăm sóc ông chu đáo khi phải hoàn thành nghĩa vụ hoàng gia.
Dù vậy, ông bắt đầu thay đổi quan điểm khi tốt nghiệp Trường đại học Aarhus năm 1995. Ông là thành viên Hoàng gia Đan Mạch đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Thời gian học đại học của ông bao gồm thời gian học tại Trường đại học Harvard ở Mỹ. Ông được đánh giá cao trong quá trình học, đặc biệt ở ngành ngôn ngữ khi có thể nói bốn thứ tiếng là tiếng mẹ đẻ, Anh, Pháp, Đức. Ông cũng từng trải qua thời gian huấn luyện qua ba quân chủng của Đan Mạch. Thời gian đó, ông phục vụ trong Hải quân Đan Mạch - nơi ông có biệt danh là “Pingo” (“Chim cánh cụt”), và là một trong bốn người của nhóm 300 tân binh vượt qua mọi bài kiểm tra trong năm 1995.
Thời gian gần đây, ông đã tăng cường các nghĩa vụ hoàng gia. Theo The Guardian, Thái tử Frederik là hiện thân của chế độ quân chủ cởi mở và tự do của đất nước này. Ông được đánh giá cao với tư cách là nhà hoạt động vì môi trường nhiệt huyết. Ông là người ưa các môn thể thao mạo hiểm. Chia sẻ về điểm này, Thái tử 55 tuổi cho biết: “Tôi không muốn nhốt mình trong pháo đài. Tôi muốn là chính mình”. Vị vua tương lai của Đan Mạch cũng từng nhấn mạnh nhiều lần rằng, ông sẽ kiên trì với quan điểm đó ngay cả sau khi lên ngôi.
Nhà sử học Đan Mạch Sebastian Olden-Jorgensen mô tả quá trình chuyển giao nghĩa vụ hoàng gia diễn ra không quá vội vàng và luôn được cân nhắc dựa trên sức khỏe của Nữ hoàng. Ông Sebastian đánh giá gia đình Thái tử “thể hiện nét hiện đại và cải cách”. “Họ không mang đến sự cách mạng toàn diện so phong cách của Nữ hoàng, song gia đình Thái tử Frederik vẫn thể hiện rõ quyết tâm điều chỉnh nền quân chủ Đan Mạch phù hợp hơn với thời đại”, nhà sử học Olden-Jorgensen khẳng định.
Ở Đan Mạch, quyền lực chính thức nằm ở Quốc hội và Chính phủ. Quốc vương, Nữ hoàng đại diện cho quốc gia với các nhiệm vụ truyền thống từ các chuyến thăm cấp nhà nước đến lễ kỷ niệm Quốc khánh.