Vài thí dụ thành công trên thế giới
Những ngày qua, đang có nhiều ý kiến quanh đề xuất thu phí bắt buộc đối với các phương tiện cơ giới vào nội đô. Theo đó, phạm vi không gian thu phí là khu vực bên trong đường vành đai 3. Giai đoạn thí điểm (từ nay đến năm 2025) sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, sẽ tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.
Đây là đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc). Nếu đề xuất được HĐND thành phố Hà Nội thông qua và UBND thành phố trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, sớm nhất Hà Nội có thể thí điểm vào cuối năm 2024, hoặc đầu năm 2025.
Đã có nhiều đô thị lớn trên thế giới áp dụng thu phí nội đô trước Việt Nam. Singapore được coi là quốc gia đầu tiên áp dụng phương án này từ năm 1998, đến nay đã áp dụng tại 50 điểm khắp thành phố. Thời gian thu phí là 7-19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu, tình hình giao thông khu trung tâm thành phố sau đó được cải thiện đáng kể. Lưu lượng xe đi vào trung tâm đã giảm tới 21% mỗi ngày. Thủ đô London nước Anh cũng thu phí nội đô từ năm 2003. Ban đầu phạm vi thu phí giới hạn ở 20km quanh trung tâm, sau đó dần được mở rộng hơn. Trong ba năm đầu thực hiện, lưu lượng giao thông vào thành phố giảm được 15%, tình trạng kẹt xe giảm 30%. Nhiều đô thị khác như Stockholm (Thụy Điển), Seoul (Hàn Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) đều áp dụng giải pháp này.
Cần xử lý trước những lộn xộn trong nội đô
Muốn thí điểm áp dụng một phương pháp “cũ người, mới ta”, đương nhiên phải xét đến rất nhiều điều kiện thực tế khác. Chưa bàn về hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật của các đô thị kể trên đều rất phát triển, phí trông giữ xe khu vực trung tâm cũng rất đắt đỏ trước khi họ thu phí nội đô.
Trong khi đó tại Hà Nội giá trông giữ xe ô-tô theo quy định trung bình từ 20 nghìn đồng-35 nghìn đồng/giờ. Nhưng tình trạng vi phạm trật tự giao thông đô thị cũng diễn biến phức tạp. Các điểm đỗ xe ô-tô tự phát tràn lan khắp mọi nơi với giá “tự tính”. Tuyến phố Hai Bà Trưng, mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, Tết, hàng loạt điểm trông giữ xe trái phép mọc lên như “nấm”. Dọc hai bên lòng đường là những chiếc ô-tô của người dân gửi để vào phố đi bộ hồ Gươm. Chỉ tính riêng một tối, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) đã xử lý 35 trường hợp vi phạm, phạt 75,75 triệu đồng. Trong đó, có 21 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trông xe quá diện tích, bị phạt 52,5 triệu đồng, bốn bãi xe không phép phạt 19 triệu đồng, 10 trường hợp ô-tô vi phạm dừng đỗ phạt 4,25 triệu đồng.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 90ha, mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu người dân hiện nay. Nhìn tổng thể, tuy bãi xe còn thiếu nhưng giá dịch vụ đậu xe trong trung tâm vẫn còn khá thấp. Rất nhiều khoản phí trông giữ xe đã chảy vào túi tư nhân thông qua các bãi trông xe tự phát, trái phép. Vì vậy, việc quy hoạch lại các bãi trông giữ xe trong nội đô theo hướng khoa học tập trung, thắt chặt quản lý các điểm trông giữ xe, đồng thời tăng giá trông giữ xe theo giờ với sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng cũng sẽ có những tác động tích cực đến giảm thiểu phương tiện lưu thông nội đô và tăng thu ngân sách.
Dẫu biết TP Hà Nội đã rất quyết liệt chỉnh trang đô thị, nhưng hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè vẫn ngang nhiên diễn ra thường nhật. Trước khi có thể thí điểm thu phí nội đô, Hà Nội cần thắt chặt quản lý trật tự đô thị nói chung và công tác quản lý các điểm trông giữ ô-tô, xe máy nói riêng. Điều này sẽ giúp thành phố giảm phương tiện lưu thông nội đô, vẫn giúp tăng ngân sách cho thành phố. Việc bỏ ra 2.600 tỷ đồng để xây dựng hàng chục trạm thu phí càng phải cân nhắc hơn nữa khi chúng ta mới bước ra khỏi khó khăn của dịch bệnh. Còn rất nhiều lĩnh vực cần phải đầu tư ngay trước mắt như tăng lương cơ sở, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng trường học… để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân.
Ở London, một xe ô-tô cỡ nhỏ trung bình phải trả 1,65 bảng (khoảng 45 nghìn đồng) cho 15 phút và 6,60 bảng (183 nghìn đồng) cho 1 giờ trông giữ xe trên phố từ thứ hai đến thứ sáu (cập nhật tháng 5/2022). Tại Singapore, phí trông xe không cố định nhưng nhìn chung đều ở mức rất cao. Điển hình là khu vực trung tâm của đường Orchard (Orchard central), phí trông xe là 3,10 đô-la Singapore (gần 53 nghìn đồng) cho nửa giờ đầu và 1,5 đô-la Singapore (25 nghìn đồng) cho nửa giờ tiếp theo từ thứ hai đến thứ sáu.