Mỗi học sinh “cõng”... 20 khoản phí
Cách trung tâm Hà Nội chỉ... một cây cầu, nhưng cuộc sống của gia đình chị N.T.P ở xã nhỏ bên sông thuộc Đông Anh (Hà Nội) cũng khá vất vả. Nhà chị P. có ba con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, hai đứa sinh đôi cùng học tiểu học, còn con nhỏ học mầm non. Hai vợ chồng chị P. đều là công nhân trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Mặc dù đã chắt bóp, tiết kiệm gần chục năm nay nhưng vợ chồng chị vẫn không đủ tiền để mua đất làm nhà, vẫn phải thuê một căn phòng trọ gần khu công nghiệp với giá gần 2 triệu đồng/tháng.
Chị P. cho biết, cứ đến đầu năm học là vợ chồng chị lại lo: “Lương hai vợ chồng được hơn 10 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiền ăn, tiền nhà, tiền đóng học cho các con. Đầu năm là sợ nhất, họp phụ huynh, trường tiểu học thông báo mỗi cháu đóng gần 7 triệu đồng, mầm non là hơn 2 triệu đồng. Tổng tiền phải đóng cho ba đứa là 15 - 16 triệu đồng, không kể tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, ngót ngét 20 triệu. Bố cháu phải tăng ca tối ngày mấy tháng nay để có tiền đóng học cho con”, chị P. tâm sự.
Chị P. cũng cho biết thêm, trong các khoản đóng góp của các con, có nhiều khoản chị không hài lòng nhưng không biết phải từ chối thế nào: “Tiền máy chiếu, điều hòa mỗi cháu lên tới 600 - 800 nghìn đồng, tiền quỹ lớp, quỹ trường mỗi kỳ 400 - 500 nghìn đồng. Rồi cô giáo còn nói, có nhu cầu mua máy trợ giảng bộ loa gắn míc để giảng bài các con nghe rõ hơn, cũng mong phụ huynh đóng góp ủng hộ. Không ủng hộ thì sợ mà ủng hộ thì nhiều tiền quá!”, chi P. than thở.
Cũng thuộc Đông Anh (Hà Nội), mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Hải Bối đã làm đơn tố cáo gửi báo chí, bất bình về các khoản thu xã hội hóa của trường này. Theo đó, ngoài các khoản thu bắt buộc thì có hàng chục khoản thu thỏa thuận vô lý. Danh sách các khoản thu gồm: học kỹ năng sống hè: 100 nghìn đồng/học sinh (HS); học văn hóa hè: 525 nghìn đồng/HS; quần áo đồng phục: 670 nghìn đồng/HS; cơ sở vật chất bán trú: 100 nghìn đồng/HS/năm; mua máy chiếu: 800 nghìn đồng/HS... Các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018 bao gồm: học kỹ năng sống 1 tiết/tuần: 40 nghìn đồng/tháng (9 tháng = 360 nghìn đồng/HS); chăm sóc bán trú: 120 nghìn đồng/HS/tháng; dạy 2 buổi/ngày: 100 nghìn đồng/HS/tháng; học sinh khối 1 và các lớp thường, mỗi học sinh bị thu hỗ trợ soạn giảng 35 nghìn đồng/tháng; sổ liên lạc điện tử: thu 15 nghìn đồng HS/tháng (9 tháng = 135 nghìn đồng/HS/năm); nước uống: 100 nghìn đồng/HS/năm; học tiếng Anh: 2 tiết/tuần: 50 nghìn đồng/HS/tháng; bảo hiểm thân thể: 100 nghìn đồng/HS; bảo hiểm y tế: 614 nghìn đồng/HS...
Ngoài ra, các khoản tự nguyện “phải” nộp trong năm học 2017 - 2018 gồm có: xã hội hóa giáo dục 200 nghìn đồng/HS (HS trái tuyến: 300 nghìn đồng); quỹ hội cha mẹ 150 nghìn đồng/HS; quỹ khuyến học: 70 nghìn đồng/HS; thuê phông bạt che khai giảng, bế giảng: 50 nghìn đồng/HS.
Nói về những khoản thu này, bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Bối xác nhận thông tin về những khoản thu mà tập thể phụ huynh học sinh nêu trong đơn. Theo bà Sinh, nhà trường có các khoản thu như vậy nhưng dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường chứ nhà trường không ép buộc. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh việc “tự nguyện” rất… có vấn đề,...
Căn bệnh phổ biến!
Không chỉ ở Hà Nội, các vụ lạm thu liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương. Mới đây, Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng bị phụ huynh “tố” vì thu đến 20 khoản đầu năm học với tổng số tiền lên tới 9.188.000 đồng, trong đó có hàng chục khoản thỏa thuận cùng với đủ loại quỹ vô lý, như: tiền học thêm hơn 3 triệu đồng, tiền học thêm nhóm 1,6 triệu đồng, tiền quỹ báo đội, quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, quỹ khuyến học, quỹ lớp, thậm chí cả tiền lao công, bảo vệ học sinh trường này cũng phải đóng với số tiền là 100 nghìn đồng.
Sau khi bản danh sách thu được được đem ra mổ xẻ, Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Hữu Đạt đã lên tiếng phủ nhận, đó không phải là danh sách các khoản thu của trường bởi, bản thu không có đóng dấu, ký nhận của lãnh đạo. Tuy nhiên, ít ngày sau, hiệu trưởng lại thừa nhận với báo chí hiện trường đã tạm thu số tiền của phụ huynh là 50 triệu đồng. Lãnh đạo trường này sau đó đã phải nhận hình thức kỷ luật của Phòng GD-ĐT huyện Thủy Nguyên. Cũng ở Hải Phòng, Trường tiểu học Đăng Cương (xã Đăng Cương, huyện An Dương) cũng bị phụ huynh “tố” vì thu số tiền lên tới hơn 10 triệu đồng/HS. Trong đó cũng có hàng loạt khoản thu vô lý gây bức xúc, như tiếng Anh và kỹ năng sống chưa được phép của Phòng GD-ĐT, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng phải vào cuộc làm rõ vụ việc này.
Mới đây, nhiều phụ huynh học sinh Trường tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang chia sẻ trên mạng xã hội ảnh danh sách các khoản thu dự kiến của một lớp 1 với mức 16.738.000 đồng/HS. Mức thu này ngoài học phí, tiền ăn, bán trú, tiền học thêm, bảo hiểm, còn có thêm học tiếng Anh tăng cường... Tuy nhiên, khi được hỏi về số tiền “khủng” này, lãnh đạo trường lại cho rằng các khoản thu xã hội hóa là do phụ huynh tự đứng ra đóng góp và trường này... không liên quan???
“Thuốc” nào cho lạm thu?
Nói về nạn lạm thu đầu năm học, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nhiều trường đang hiểu sai về các quy định thu, trong khi đó nhiều phụ huynh chưa thật sự biết rõ về các khoản thu bắt buộc và tự nguyện. Theo ông Cẩn, ngoài học phí và bảo hiểm y tế là bắt buộc thì các khoản còn lại là thỏa thuận, tự nguyện.
“Theo nguyên tắc, các bậc cha mẹ HS không phải tham gia vào việc đóng góp để tu sửa, mua sắm trong nhà trường, đó là trách nhiệm của Nhà nước và hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có những hoạt động sửa chữa cơ sở vật chất cấp thiết cần làm ngay nhưng ngân sách chưa kịp thời thì trường được phép thỏa thuận thu nhưng phải làm theo quy trình bốn bước công khai minh bạch và có sự đồng thuận với phụ huynh mới được thu”, ông Cẩn nói. Ông Cẩn cũng cho rằng, phụ huynh cần phải lên tiếng với những khoản thu cảm thấy chưa hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Có thể phản ánh qua đường dây nóng của các Phòng hoặc Sở GD-ĐT để tránh ảnh hưởng đến con.
Nói về biện pháp để hạn chế lạm thu đầu năm học, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, cần phải minh bạch các khoản thu để giúp phụ huynh và các tổ chức xã hội kiểm soát, theo dõi: “Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn không biết tại sao thu khoản này không thu khoản kia, tại sao khoản này ở nơi này thấp, nơi kia cao? Khi có minh bạch, đối chiếu, những trường thu sai là vi phạm quy định quản lý nhà nước, theo đó sẽ có những hình thức phạt nhất định tùy theo hình thức vi phạm. Ai vi phạm thì cần có mức độ kỷ luật nghiêm khắc”, ông Nhĩ nói.