Lạm phát 9,1% đe dọa suy thoái kinh tế Mỹ
Mới đây, Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của quốc gia này tăng 9,1% so tháng 6/2021, cao hơn mức 8,6% trong tháng 5 và vượt dự báo 8,8% trước đó. Đây cũng là con số lạm phát cao kỷ lục của Mỹ trong vòng bốn thập kỷ qua (từ năm 1981) và cao gấp bốn lần mức lạm phát mục tiêu 2%/năm mà Mỹ hướng đến.
Bình luận về điều này, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, kinh tế thế giới hiện nay rất bất ổn và bất định. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, một số nền kinh tế trên thế giới đã chủ quan khi cho rằng hàng chục tỷ USD tung ra để chống dịch và kích thích kinh tế rồi sẽ được nền kinh tế trung hòa một cách đơn giản sau khi dịch qua đi. Ông Nghĩa nói rằng, trong hai năm 2020 và 2021, nước Mỹ đã in tiền với quy mô lên tới 29% GDP. Đến giờ, lạm phát đang là vấn đề rất căng thẳng của quốc gia này.
“Ngoài ra, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukcraine kéo dài từ cuối tháng 2/2022 đến nay đã gây ra nhiều hậu quả khó lường đối với kinh tế toàn cầu như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực… và làm cho lạm phát toàn cầu tăng cao”, TS Nghĩa nói.
Giới phân tích nhận định, phần lớn lạm phát của Mỹ trong tháng 6 là do giá xăng tăng mạnh. Hiện, giá xăng ở nước này đã tăng gần 60% so tháng 6 năm ngoái. Ngoài ra, giá năng lượng tăng 41,6%; giá lương thực-thực phẩm tăng 12,2% so cùng kỳ năm ngoái là nguyên nhân khiến lạm phát Mỹ tăng mạnh.
Chia sẻ với PV báo Thời Nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế hiện đang sống ở Mỹ cho biết, gia đình ông đã phải tăng khoảng 70% chi phí cho thực phẩm cả tuần so mức chi năm ngoái.
Để đối phó với lạm phát, từ tháng 3/2022 đến nay, FED đã có ba lần nâng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang (tức lãi suất cơ bản) tăng từ 0-0,25% lên 1,5-1,75%. Giới phân tích cho rằng, FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm gần về mức mục tiêu 2%. Tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7 tới, FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất ít nhất 0,75%, thậm chí lên đến 1%.
Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu FED tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Đây là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ liên tục giảm mạnh gần đây. TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, nếu như thời gian ngắn trước đây người ta còn đặt câu hỏi liệu kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không, thì bây giờ họ chỉ còn thắc mắc là bao giờ suy thoái sẽ đến.
Theo ông Hiếu, kinh tế Mỹ có thể sẽ bước vào chu kỳ suy thoái vào năm 2023, nhưng với sức tiêu thụ khổng lồ của quốc gia phát triển hàng đầu thế giới này, suy thoái sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và Mỹ sẽ hồi phục nhanh chóng trong những năm kế tiếp.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích, việc FED liên tục tăng lãi suất đã khiến đồng USD tăng giá, đường cong lãi suất đảo ngược (do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm cao hơn kỳ hạn 10 năm). “Tình trạng này đã kéo dài vài tháng nay. Trong lịch sử, hiện tượng này xuất hiện 28 lần thì 22 lần xảy ra khủng hoảng kinh tế sau đó”, ông Nghĩa nói và nhận định rằng, sẽ chỉ có suy thoái kinh tế nhẹ ở Mỹ. Theo vị chuyên gia, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc sớm, năm 2023 có thể là năm đi xuống của kinh tế toàn cầu và năm 2024 sẽ hồi phục, đi lên.
Việt Nam có thể trở thành điểm sáng
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất thế giới, với quy mô xuất nhập khẩu trong năm 2022 dự báo lên tới 700 tỷ USD. Đây chính là nguyên nhân khiến Việt Nam chịu tác động của lạm phát toàn cầu thông qua đường nhập khẩu.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới 11%, cho thấy tác động của “nhập khẩu lạm phát”. Tuy nhiên, điều may mắn là Việt Nam nhập khẩu chủ yếu nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu, do đó nhập khẩu lạm phát không nhiều, sức ép tỷ giá khi đồng USD tăng giá không quá lớn. Mặt khác, Việt Nam không in nhiều tiền, do đó lạm phát của Việt Nam chủ yếu là lạm phát chi phí đẩy (giá cả đầu vào tăng), khác với Mỹ và châu Âu vừa có lạm phát chi phí đẩy vừa có lạm phát cầu kéo (do dư thừa tiền trong lưu thông).
“Chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua ổn định nên không bị lạm phát cầu kéo, kinh tế phục hồi tương đối vững chắc, tỷ giá hối đoái ổn định. Điều này rất có lợi cho thị trường tài chính tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán”, ông Nghĩa nói.
Dự báo triển vọng kinh tế cuối năm 2022, vị chuyên gia nhận định, Việt Nam dường như tránh được “cơn bão” này của kinh tế thế giới và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm sáng nhất về tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm nay.
Nhìn vào bối cảnh vĩ mô trong nước, kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (5,74%) và năm 2020 (2,04%). Lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 2,44% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 2,55% của tháng 5 và dưới mức lạm phát mục tiêu 4% của cả năm. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm nay có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% và gần 40.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước; cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp.
Với kết quả này, hàng loạt tổ chức đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố vào đầu tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống còn 2,9%. WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của một số quốc gia trên thế giới, trong đó GDP Nga sẽ giảm 8,9% trong năm nay và 2% trong năm 2023; GDP của Ukraine cũng được dự báo giảm 45% trong năm 2022...
Trong khi đó, Việt Nam lại là nước duy nhất trên thế giới được WB rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
Ngân hàng HSBC vừa điều chỉnh dự báo GDP 2022 của Việt Nam từ 6,6% lên 6,9%. Đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 6% khi hoạt động kinh tế bình thường trở lại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, tính đến hiện tại chỉ số VN Index đã giảm gần 23% từ vùng đỉnh 1.528,6 điểm (ngày 6/1) so với vùng giá 1.179,25 điểm (kết phiên ngày 15/7). Giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2022 là 17.553,26 tỷ đồng/phiên, giảm 33,96% so với bình quân năm 2021. Chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường đã giảm mạnh nhất thế giới thời gian qua và hiện đang ở vùng định giá (P/E) khá rẻ, khoảng 12 lần, thấp hơn nhiều so mức trung bình 16,2 lần của các quốc gia đang phát triển trong khu vực ASEAN và thấp hơn nhiều so trung bình 5 năm (16,3 lần).
Xét về vi mô, xu hướng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các doanh nghiệp niêm yết được duy trì từ năm 2021. Cụ thể, lợi nhuận ròng quý I/2022 của các doanh nghiệp trên ba sàn tăng 33,2% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 14,4% của quý IV/2021. Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tăng 20-25% trong năm nay.
Trên cơ sở này, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, thị trường đang rất rẻ để đầu tư dài hạn, trong điều kiện duy trì được bức tranh vĩ mô này trong ít nhất 1-2 năm tới.
Công ty Quản lý quỹ VinaCapital vào tháng 6/2022 cũng cho rằng, với những yếu tố như hoạt động bán tháo do giải chấp kết thúc, các chương trình hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được triển khai tích cực, đặc biệt là tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay.
Lạm phát ở châu Âu tăng kỷ lục
Tháng 6/2022, Italy cũng lạm phát 8% (cao nhất kể từ năm 1986), Tây Ban Nha vượt ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ năm 1985. Theo tin từ Reuters, số liệu sơ bộ được văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/7 cho thấy, lạm phát so cùng kỳ năm ngoái ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức dự báo 8,4% và cao hơn mức 8,1% của tháng 5. Dự kiến, trong tháng 7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm.