Tất cả vì đồng bào nghèo
Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Tổng cục Cao-su Việt Nam (sau này là Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam - VRG) thực hiện chủ trương phát triển cao-su ở Tây Nguyên với phần lớn diện tích nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. 12 đơn vị thành viên VRG đứng chân trên địa bàn năm tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với tổng diện tích đến nay là 64 nghìn ha, đưa Tây Nguyên thành vùng trồng cao-su lớn thứ hai cả nước.
Từ những vùng đất hoang sơ, các dự án cao-su thuộc VRG đều đã hình thành các thôn, buôn, xã nông thôn mới, thị trấn, thị tứ dân cư đông đúc, trù phú. Điều quan trọng nhất, hành trình cây cao-su trên đất Tây Nguyên giúp đổi thay đời sống nhiều hộ nghèo người dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng... 12.000 công nhân đang làm việc trong các công ty cao-su, trong đó có quá nửa là người dân tộc thiểu số là minh chứng rõ ràng cho số phận cũng như sự phát triển của cây cao-su với đồng bào Tây Nguyên đã tự nhiên bện chặt vào nhau.
Công ty TNHH MTV Cao-su Mang Yang (Gia Lai) hiện có hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên, trong đó, người dân tộc thiểu số gần 800 người, chiếm hơn 50%. Công ty vừa tuyển thêm gần 300 người dân tộc thiểu số vào làm việc.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Mang Yang khẳng định: “Ưu tiên tuyển dụng công nhân là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn này không chỉ là trách nhiệm đối với địa phương mà còn giúp người đồng bào trong vùng dự án được hưởng lợi. Công ty đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành và vượt kế hoạch được giao năm 2022. Nhưng mục tiêu cao nhất vẫn là nâng cao thu nhập cho công nhân lao động”.
Thăm Nông trường cao-su Đoàn Kết (thị trấn Đắk Đoa) của Công ty TNHH MTV Cao-su Mang Yang vào giữa trưa, không khí lao động tại đây vẫn sôi nổi, khẩn trương bất chấp trời đang đổ mưa. Công nhân tập kết các thùng mủ cao-su là thành quả lao động chắt chiu từng giọt mủ từ sớm tinh sương.
Chị H’Leng (tổ 1, Nông trường Đoàn Kết) chia sẻ, mình đã có 18 năm làm công nhân cao-su. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ với bao khó khăn, nay chị cảm thấy hài lòng về các chế độ đãi ngộ lương, thưởng của công ty. Riêng những công nhân là người dân tộc thiểu số được công ty hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng trong mùa khô. “Công ty đề ra kế hoạch mức thu nhập năm sau cao hơn năm trước giúp công nhân chúng tôi rất yên tâm, có động lực gắn bó, cống hiến lâu dài. Nhiều thanh niên trong làng xin vào làm công nhân cao-su”, chị H’Leng cho biết.
Thăm các dự án cao-su, chúng tôi hiểu thêm chính sách ưu đãi đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty TNHH MTV Cao-su Kon Tum (Kon Tum) và Công ty TNHH MTV Cao-su Chư Pả (Gia Lai) là hai đơn vị có tỷ lệ công nhân người dân tộc chiếm đại đa số với hơn 70% tổng số lao động. Thực tế, tay nghề của công nhân người dân tộc thiểu số không thuần thục bằng người Kinh. Nhưng nhờ thường xuyên tổ chức đào tạo và đôn đốc, những doanh nghiệp này lại viết nên câu chuyện vượt khó bằng năng suất khai thác mủ cao và nằm trong tốp dẫn đầu các phong trào thi đua ngành cao-su.
Ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Chư Pả, hồ hởi cho biết: “Dù ngành cao-su phải đối mặt nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp và tác động của đại dịch Covid-19, công ty luôn duy trì ổn định mức tiền lương và thu nhập của người lao động, đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, thu nhập bình quân của lao động khá cao, xấp xỉ 8 triệu đồng/người/tháng. Từ những cố gắng của công ty, đến nay đời sống của công nhân đồng bào dân tộc thiểu số đã dần ổn định và nâng cao, hơn 50% số hộ đã biết làm giàu từ kinh tế gia đình. Công ty chọn các đối tượng là con em dân tộc thiểu số gửi đi học các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành và các lớp thanh vận, được cấp 100% kinh phí đào tạo để xây dựng nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc tại chỗ lâu dài”.
Đang khai thác mủ trên lô cao-su, chị PLưn, tổ 4, Nông trường Hà Tây, Công ty cao-su Chư Pả, cho biết: “Thu nhập của tôi mỗi tháng khoảng 8-9 triệu đồng, cuối năm 2021 còn được thưởng 12 triệu đồng. Tháng nào tôi cũng được thưởng vượt sản lượng. Nếu làm nông, làm rẫy, gia đình em thu nhập rất thấp. Đi làm thuê thì chỉ được 80.000-90.000 đồng/ngày. Hiện, hai vợ chồng đã mua được đất riêng, đang tính chuyện xây nhà”.
Mong được làm công nhân cao-su
Tại các dự án cao-su ở Tây Nguyên, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đang nộp đơn bày tỏ nguyện vọng vào làm công nhân với mong muốn ổn định đời sống.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Ea Hleo lý giải, đồng bào dân tộc thiểu số thích làm công nhân cao-su là vì trải qua quá trình hình thành và phát triển, các công ty cao-su chứng tỏ tính hiệu quả. Từ thuở ban đầu đầy khó khăn, đến nay công ty đã biến Ea H’leo trở thành vùng kinh tế cao-su phát triển.
Ông Đậu Đình Quản, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao-su Ea Hleo tiếp lời: “Khi đồng bào vào làm công nhân cao-su, cuộc sống ổn định và được hưởng nhiều chế độ chính sách. Giờ đây, công nhân người dân tộc thiểu số sở hữu ô-tô là chuyện bình thường. Ngoài thu nhập từ cao-su, bà con còn có thời gian làm nương rẫy, làm kinh tế phụ gia đình... Nhiều buôn làng có công nhân cao-su xây rất nhiều nhà đẹp kiểu Thái. Đồng bào còn cho con đi học các trường đại học ở Tây Nguyên, Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh”.
Công ty TNHH MTV Cao-su Kon Tum có hơn 70% số lao động là người dân tộc thiểu số. Nhờ phát huy nguồn lực lao động này, công ty có bước đột phá về năng suất, đưa sản lượng mủ khai thác tăng nhanh. Năm 2021, công ty đạt sản lượng hơn 11,5 tấn mủ quy khô, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và nằm trong tốp dẫn đầu sản lượng toàn ngành cao-su. Công ty có tám nông trường đạt 2 tấn/ha, năm tổ sản xuất đạt 3 tấn/ha. Đặc biệt, công ty là thành viên câu lạc bộ 2 tấn/ha suốt 10 năm qua của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam.
Ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Từ lâu nay, lao động đồng bào dân tộc thiểu số là nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển công ty. Do đó, chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng lao động đồng bào với những chính sách đào tạo tay nghề thường xuyên, chăm lo phát triển đời sống mọi mặt cho người lao động”.
Chị Y Thiar (người Xơ Đăng), làm việc ở Nông trường cao-su Ngọc Wuang, Công ty Cao-su Kon Tum đã 15 năm, cho biết: “Trung bình thu nhập của tôi khoảng bảy triệu đồng/tháng. Ở nông thôn như thế cũng đủ sống và nuôi hai con ăn học. Sắp tới, gia đình tôi được Công đoàn hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm. Nhận được sự quan tâm như vậy, tôi sẽ gắn bó lâu dài ở đây”.
Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV cao-su Chư Sê đã phát triển diện tích hơn 7,5 nghìn ha cao-su trên địa bàn ba huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai. Phần lớn diện tích hiện đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản với lực lượng lao động chủ lực là người dân tộc thiểu số, có những nông trường gần như 100% công nhân là người đồng bào. Lãnh đạo công ty cho biết, đến năm 2025, khi vườn cây đưa vào khai thác mủ, công ty vẫn ưu tiên sử dụng người dân tộc thiểu số tại địa phương, cùng với đó là thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà ở công nhân.
Xuyên qua những con đường trong những cánh rừng bạt ngàn cao-su trên vùng đất Tây Nguyên, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin… phủ khắp các thôn, làng mới thấy ý nghĩa vai trò dẫn dắt và tiếp sức của các dự án cao-su trên mảnh đất nghèo bom cày, đạn xới thuở trước. Đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tự hào đã chung tay kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc…