Làm gì để giảm úng ngập cho Hà Nội?

Thành phố Hà Nội ngày càng lâm vào tình trạng úng ngập cục bộ ở nhiều địa bàn mỗi khi có mưa dù không lớn. Người dân mong đợi và giới chuyên môn đang quan tâm đến những đề xuất giải pháp cho việc tiêu thoát nước, hạn chế ảnh hưởng đến sự đi lại, sinh hoạt của quần chúng. Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê chia sẻ một số kinh nghiệm và gợi ý giải pháp với Thời Nay.

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều phố ở Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa chiều 5/7/2022. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Nhiều phố ở Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa chiều 5/7/2022. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Làm gì để giảm úng ngập cho Hà Nội? -0

PV: Ảnh hưởng của kiến trúc với việc thoát nước của thành phố được thể hiện thế nào, thưa ông?

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê: Từ buổi bình minh của lịch sử đô thị, phần lớn các thành phố đều được chọn xây dựng gần một con sông, vì nhu cầu về nước sinh hoạt và các tiện ích giao thông đường thủy. Khi mưa lũ xảy ra và mực nước sông dâng cao, hệ thống thoát nước phải bảo đảm cho dân cư và nhà cửa không bị nhấn chìm. Hệ thống thoát nước còn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường bằng cách nhanh chóng đưa nước bẩn/ô nhiễm ra xa khỏi nơi sinh hoạt của chúng ta và ngăn cản tác động ô nhiễm của nước mặt đối với nguồn tài nguyên nước ngầm.Kiến trúc đô thị, hay chính xác hơn là quy hoạch và thiết kế đô thị, phải tạo các điều kiện để hệ thống thoát nước, bao gồm thoát nước mưa và thoát nước thải, thực hiện được chức năng của chúng. Ngoài việc bảo đảm một tỷ lệ diện tích đất thích hợp cho hạ tầng kỹ thuật với một trong những thành tố quan trọng nhất là hệ thống thoát nước, việc tính toán thủy lực cho hệ thống này cần được thực hiện một cách bài bản nhất có thể.

PV: Có thể thấy, công trình xây dựng do ông từng phụ trách như Trung Hòa - Nhân Chính hầu như không bị ngập lụt vì mưa. Xin ông cho biết lý do vì sao?

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê: Tôi có tham gia chủ trì quy hoạch và thiết kế một số công trình khá lớn ở nội thành Hà Nội, như Rạp xiếc Trung ương, Hanoi Grand Plaza Hotel và Viện Dầu khí… Tuy nhiên, dự án có nhiều người sử dụng nhất là Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (kể cả khu NO5 bên cạnh). Các công trình này đều chưa bao giờ bị ngập lụt khi mưa lớn, tuy nhiên có lẽ nên nói về Trung Hòa - Nhân Chính vì mức độ phức tạp của nó. 

Khi chúng tôi được giao nhiệm vụ quy hoạch lại khu Trung Hòa - Nhân Chính cuối những năm 1990, đây là nơi trồng chủ yếu rau muống và lúa nước ở một vùng ngoại ô xa trung tâm thành phố. Ngoài việc chúng tôi đã khá mạo hiểm thời điểm đó khi đề xuất xây các chung cư rất cao tầng (từ 17-34 tầng), đơn vị mà chúng tôi tham gia còn là trường hợp đầu tiên ở Hà Nội thiết kế các tầng hầm lớn đến vài ha liên kết các nhà cao tầng lại với nhau. Với tính chất sử dụng của các tổ hợp phức tạp (mixed-use) nhiều tầng như vậy, việc thoát nước hiệu quả, bao gồm thoát nước mặt và nước thải, kể cả thoát nước cho các khu hầm sâu đến ba tầng dưới mặt đất, đã đặt ra các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, mà mức độ thỏa mãn chúng góp phần quyết định tiện nghi sử dụng. Và theo đó là mức độ chấp nhận của người dân đối với loại chung cư cao tầng, mà vào 20 năm trước, từng bị rất nhiều khách hàng tiềm năng nghi ngờ.

Nhờ tinh thần trách nhiệm và phương pháp làm việc kỹ lưỡng của đội ngũ thiết kế và thi công, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính thật sự chưa bao giờ bị ngập, trong khi một số khu chung cư tương tự ở Hà Nội vẫn phải chống chọi khá vất vả với hiện tượng úng ngập mỗi khi mưa lớn và kéo dài.

PV: Để giải quyết dứt điểm việc ngập lụt của Hà Nội, theo ông chúng ta cần làm gì?

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê: Về mặt thoát nước, một số điều kiện đặc thù cần khắc phục. Thí dụ, Hà Nội vẫn đang song song sử dụng hệ thống cống cũ và những tuyến cống xây dựng mới. Nhiều chỗ đấu nối giữa hai loại này chưa chuẩn. Hệ thống cống đôi lúc được thi công và bảo dưỡng kém, làm giảm khả năng thoát nước.

Một vấn đề nữa là hệ thống thu nước mưa theo lưu vực. Để tiêu nhanh, Hà Nội đã đấu nối các lưu vực làm cho nước thoát luẩn quẩn, trong khi hệ thống hồ điều hòa trên từng lưu vực thì chỗ bị lấp, chỗ bị thu nhỏ làm dung tích chứa bị giảm.

Vì vậy, về khía cạnh chủ quan, cần phải kiên quyết loại bỏ tình trạng mật độ xây dựng đôi khi thực hiện không đúng quy chuẩn/tiêu chuẩn, dẫn đến việc hệ thống cống thoát không đủ khả năng tiêu, gây úng cục bộ mỗi khi mưa xuống.

Cùng với đó, dân trí cũng là một vấn đề. Dù hạ tầng kỹ thuật tốt đến như thế nào mà dân trí thấp, không tự giác thực hiện các quy định sử dụng hệ thống kỹ thuật thì nước cấp vẫn thất thoát, úng ngập vẫn xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

KTS Hoàng Hữu Phê từng học tại Đại học Xây dựng Kiev (Liên Xô trước đây). Năm 1987, ông sang Bangkok (Thailand) học Thạc sĩ về chuyên ngành Quy hoạch dân cư. Năm 1998, ông tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp London (UCL). Lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO) của ông từng được giải thưởng kỷ niệm Donald Robertson 2000 của tạp chí quốc tế Urban Studies.