Lại “nóng” chuyện dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm lại trở thành vấn đề “nóng” trong một số phiên thảo luận mới đây tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và được xem như một câu chuyện không có kết thúc nếu không có giải pháp căn bản thấu tình, đạt lý.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào lớp 10.
Phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào lớp 10.

Vòng xoáy học tập

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa thông tin, năm học 2024 - 2025, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển. Hiện nay, kỳ thi tuyển sinh này được coi là “khốc liệt” nhất trong các cấp học vì số lượng tuyển sinh vào các trường công lập rất thấp so với số đăng ký dự tuyển. Nhiều địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ lấy hơn 60% thí sinh tham dự kỳ thi; các tỉnh, thành phố còn lại cũng chỉ dao động ở mức 70-75% nên tính cạnh tranh cao.

Năm học 2024 - 2025, Hà Nội dự kiến có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Trong khi đó, quy mô trường lớp tăng không đáng kể, năm học 2024 - 2025, dự kiến Hà Nội có 121 trường, chỉ tăng hai trường.

Để có thể “chiến thắng” trong cuộc đua khốc liệt này, với độ tuổi 15 “chữ không hay, cày không biết” nên nhiều gia đình bắt buộc phải chọn giải pháp học thêm và các nhà trường cũng tăng cường tiết ôn luyện cho học sinh.

Đối với khối lớp 9, việc học chính khóa trên lớp có hơn 10 môn học và tăng tiết nên số lượng bài tập, số lượng bài thường rất lớn. Việc phải học tăng tiết vào trái buổi khiến cho nhiều em đuối sức, thời gian nghỉ ngơi buổi trưa gần như không có. Nhiều em còn không về nhà sau khi tan học buổi sáng mà ở lại học buổi chiều luôn. Buổi tối học sinh ở những thành phố lớn, nơi mà các trường có tính cạnh tranh cao còn phải đi học thêm ít nhất là một ca nữa, có em học thêm đến hai ca buổi tối. Ngày chủ nhật là ngày nghỉ học ở trường nên các thầy, cô dạy thêm cũng thường bố trí lịch học thêm vào ngày này. Vì thế, vòng xoáy học tập của học sinh diễn ra liên tục, xuyên suốt các ngày trong tuần, trong tháng.

Đối với những em học giỏi thì việc học hành càng nặng nề hơn, vì hầu hết các em này đều đăng ký thi vào các trường chuyên khối THPT. Các trường này lại có tỷ lệ chọi thường rất lớn. Chính vì áp lực học tập chính khóa, học thêm đã khiến cho một bộ phận học sinh luôn luôn trong tình trạng thiếu ngủ. Một số em thể hiện trạng thái mỏi mệt, bơ phờ và nhiều khi tranh thủ giờ ra chơi hay chuyển tiết là gục xuống bàn ngủ lúc nào không hay. Những giáo viên dạy lớp 9, nhất là dạy trái buổi đã quen với chuyện học sinh ngủ gục trong lớp học. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng trời trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Các em học sinh học tập căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải đầu tư một khoản tiền lớn cho con em mình học thêm hằng tháng. Mỗi tháng học thêm ba môn ít nhất cũng phải mất thêm 1 triệu đồng - nếu học thêm đại trà. Nếu muốn học theo nhóm hay học một mình thì số tiền đầu tư của phụ huynh còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, một số phụ huynh còn phải đưa đón con em mình vào các buổi tối học thêm ở các trung tâm hoặc ở nhà thầy, cô giáo vì tâm lý nhiều phụ huynh sợ con đi về trong đêm tối sẽ nguy hiểm. Vì thế, không chỉ học sinh mệt mỏi mà ngay cả phụ huynh cũng vất vả và tốn kém rất nhiều tiền bạc.

Các phụ huynh chỉ biết động viên con mình cố gắng, làm được gì cho con thì họ đều làm nhằm dành tất cả những gì có thể để con mình được học tập trong một điều kiện tốt nhất.

Với chương trình mới, kiến thức khá nặng khiến nhiều học sinh tại các cấp học cũng phải đi học thêm. Một phụ huynh có con học lớp 7 cho biết, năm học này, chị phải cho con đi học thêm hai môn Vật lý và Hóa học trong môn tổ hợp Lý - Hóa - Sinh vì không hiểu bài trên lớp. Cậu bé phân trần với mẹ: “Thầy dạy trên lớp không giảng bài nhiều mà bấm trình chiếu. Hỏi nhiều thì sợ thầy mắng”. Phụ huynh sau khi tìm hiểu mới biết, thầy vốn dạy Lý, nay được nhà trường phân công dạy cả môn Hóa nên không thể giảng dạy bằng giáo viên dạy chuyên môn Hóa trước đây. Ngoài ra, một số phụ huynh cũng chia sẻ, ba môn Lý, Hóa, Sinh vốn đã khó, nay lại phải học với một số giáo viên vốn không phải chuyên môn của mình giảng dạy nên con sẽ bị thiệt thòi. Sau này, các con sẽ thi tổ hợp nên cần cho học thêm ngay từ bây giờ để không bị hổng kiến thức.

Cũng với chương trình mới, cấp tiểu học được thiết kế học hai buổi/ngày. Buổi sáng học sinh được học kiến thức mới, buổi chiều chủ yếu tập trung vào các hoạt động luyện tập, thực hành. Riêng kiến thức lớp 1, những bộ sách mới khá nặng so với lứa tuổi của các em. Nếu chương trình cũ một tiết dạy chỉ hai âm hoặc vần thì Chương trình giáo dục năm 2018 có tiết học tới bốn âm vần và đọc cả đoạn văn bản dài. Mỗi tuần, các em phải đọc thuộc, nhớ và viết được hơn 10 âm, có khi tới 15 âm. Ngoài ra, ngay từ những tuần đầu đã phải đọc những câu dài, đọc một đoạn văn bản dài gồm vài câu phức. Ngoài đọc còn viết, tới tuần 9 trở đi đã phải viết chính tả nghe đọc.

Mỗi tiết học khoảng 35 đến 40 phút. Giáo viên trên lớp không đủ thời gian để kèm riêng từng em. Do kiến thức khá nhiều và nặng nên về nhà buộc học sinh phải ôn bài mới có thể nhớ. Nhiều phụ huynh bận rộn không có thời gian dạy con, một số khác cũng không đủ kiên nhẫn để kèm con học nên luôn có nhu cầu gửi thầy, cô. Đây chính là lý do để học sinh lớp 1 đi học thêm khá đông. Không riêng lớp 1, nhiều học sinh

lớp 6 năm học 2021-2022 cũng đăng ký đi học thêm môn Ngữ văn vì kiến thức mới khá nặng đối với các em. Một phụ huynh cũ của người viết chia sẻ, trước đây đứa con lớn không phải học thêm môn Ngữ văn nhưng bây giờ phải cho đứa nhỏ theo học vì nhiều kiến thức rất khó, không học thêm sợ con khó theo kịp.

Đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Mới đây, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề cập tới tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Bên cạnh mặt tích cực là cải thiện đời sống cho một bộ phận giáo viên, hoạt động này ở nhiều nơi đang bị biến tướng, tạo áp lực cả về học tập và kinh tế cho học sinh, phụ huynh.

Ông Huy đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi các quy định liên quan theo hướng sâu sát, hài hòa lợi ích giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên; siết chặt chất lượng giờ học chính khóa, thay đổi tư duy thi cử, “cởi trói” áp lực học hành… Đặc biệt, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sớm tham mưu trình, để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hồi đáp đại biểu Huy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, dạy thêm, học thêm là vấn đề lớn, xuất phát từ nhu cầu thực tế và cũng rất đa dạng. Bộ GD&ĐT đã có nhiều quy định, trong đó có Thông tư 17/2012 để kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường; cũng như các vấn đề về đạo đức, công vụ của nhà giáo, ứng xử học đường… Tuy nhiên, riêng với môi trường ngoài nhà trường, hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý để giám sát, điều tiết, xử lý nếu có vi phạm.

Bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy về việc bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2020, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã từng có văn bản đề xuất gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ KH&ĐT. “Nhưng không rõ lý do vì sao việc này không được chấp thuận”, ông Sơn nói. Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm bên ngoài trường học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để lành mạnh hóa hoạt động dạy thêm, học thêm thì đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể riêng lẻ. Ngoài nỗ lực của ngành giáo dục trong việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, ông Sơn mong muốn sự phối hợp đến từ chính quyền các địa phương. Bởi lẽ, với 53.000 trường học trên cả nước, ngành giáo dục khó tự kiểm soát toàn bộ các địa bàn chung quanh 53.000 trường học này.

Một địa chỉ nữa cũng được Bộ trưởng GD&ĐT gửi gắm, đó là phụ huynh học sinh. Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng dạy thêm, học thêm nhiều là xuất phát từ nhu cầu của chính phụ huynh. Theo Bộ trưởng Sơn, có phụ huynh mang con đến rồi nài nỉ nhờ cô trông giúp, có phụ huynh thấy con đi học một ca chưa yên tâm, nghe ở đâu có thầy cô tốt là chở con đến ngay, một tối học nhiều ca. Nếu phụ huynh chọn lọc việc cho con học thêm sẽ giảm áp lực, căng thẳng cho con em.