Kỳ vọng chuyển đổi nghề giúp ngư dân khấm khá

Nhằm cân bằng lại năng lực khai thác đánh bắt thủy hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái ven biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 208 (ngày 10/3/2023) phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, chuyển đổi một số nghề cho ngư dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tạo điều kiện chuyển đổi nghề cho cả những người làm dịch vụ nghề cá. Trong ảnh: May vá lưới ở Nhơn Hải, Quy Nhơn.
Cần tạo điều kiện chuyển đổi nghề cho cả những người làm dịch vụ nghề cá. Trong ảnh: May vá lưới ở Nhơn Hải, Quy Nhơn.

Tin vui với làng chài

Suốt dọc bờ biển nước ta, nhất là tại các cửa sông, đầm phá, luôn bắt gặp những nhóm thuyền nhỏ, khóm dân cư sống nghề chài lưới, thả lờ, giăng câu, đời sống bấp bênh do thu nhập phụ thuộc vào nguồn nước, thời tiết, nguồn thủy hải sản và cả may rủi trong mỗi chuyến đánh bắt.

Trước đây, nhiều chủ thuyền đánh cá còn dùng kích điện, lưới giã cào khai thác theo cách tận diệt. Mặc dù khai thác kiểu này đã bị cấm nhưng nhiều người vẫn vì lợi trước mắt mà lén lút làm. Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái đặt mục tiêu đến năm 2025, tập huấn, đào tạo nghề cho 50 nghìn ngư dân, khoảng 2.000 tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp như nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thềm, 63 tuổi, làng Chuồn, xã Phú An (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) chuyên đánh bắt cá trong đầm phá Tam Giang, cho hay: “Tui cũng tính bỏ nghề, nhưng chưa biết làm nghề chi, thiệt tình, tui chỉ biết mỗi ngày đánh cá nên cuộc đời tui cứ giằng co lo lỏm với nghề ni. Rồi nghĩ đến chuyện mình phải làm cho đến khi mình không còn đủ sức nữa”.

Trước đây, nhiều làng chài cũng như ngư dân ven bờ sống cảnh chồng chèo, vợ lưới, con câu theo cách kế thừa. Nhưng vài chục năm lại đây đã có sự thay đổi, nhiều thế hệ con em dân chài đã được đi học chữ, đi làm công nhân hoặc làm nhiều ngành nghề khác. Theo đó, họ đưa được cha mẹ mình thoát cảnh “đêm ngắm trăng, ngày hóng gió” để con thuyền và cuộc mưu sinh bớt chao đảo chòng chành. Vợ chồng ông Trần Văn Lược, đánh cá lưới vặt ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên), cho hay: “Nghề nghèo, đánh bắt được cá tôm cũng chỉ bán rẻ. Người ta mua về, thứ ăn, thứ chăn nuôi. Thu nhập hổng được nhiêu mà không đi biển thì đói”.

Nghề đánh cá cũng tạo nên nhiều làng biển giàu có sầm uất nhờ đầu tư thuyền lớn, vươn khơi xa. Nhưng còn nhiều làng biển, nhiều gia đình đánh cá từ đời này qua đời khác theo cách kiếm sống qua ngày, ngay cả như nuôi trồng thủy hải sản ven biển cũng do người nơi khác về thuê mặt nước ao đầm. Theo đó, cơ hội đối với người dân sở tại hoặc là đi làm thuê cho các chủ ao đầm, hoặc giải nghệ tìm công việc khác. Còn một bộ phận người dân đánh cá vẫn bám nghề và sống mòn mỏi.

Về việc được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp như nuôi trồng thủy hải sản, nghề cá giải trí cho khách du lịch hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn và bảo vệ các nguồn lợi và giá trị của hải sản... Ông Nguyễn Văn Thềm cho hay: “Tôi sẽ chuyển sang nghề chèo thuyền dịch vụ cho người đi câu, đây là nghề mà tui nghĩ ông bà già tui đều làm được vì nó nhẹ nhàng”.

Nghề mới nới rộng nguồn thu

Môi trường và hệ sinh thái ven biển hiện nay đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm, sạt lở và gió bão bất thường khiến nhiều hội nhóm đánh cá ven bờ thấy nản. Ông Trần Văn Hùng, trú khu dân cư Tân Thịnh (Cẩm Nam, Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Có nhiều lần khách du lịch hỏi thuê thuyền đi câu đêm. Nhưng ở bờ biển này chưa cho phép làm dịch vụ đó”.

Qua khảo sát nghề cá ven bờ của người dân ở đây, bà con thường đi đánh cá lúc 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng họ cặp bờ, mỗi chuyến ra khơi, hên thì được 600 nghìn đồng, rủi cũng được vài ba trăm nghìn, chưa trừ chi phí tiền dầu máy. Về dịch vụ câu đêm trên biển mới chỉ có Cửa Lò (Nghệ An) là có dịch vụ này. Ở xã bãi ngang Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng có dịch vụ câu trên biển với những kết nối không được rõ ràng.

Như vậy, còn một khoảng trống trên mặt nước để làm dịch vụ đem lại nhiều giờ giải trí cho du khách và tăng thu nhập cho người dân vẫn còn bỏ trống. Nếu được chuyển đổi nghề thuận lợi, người dân sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia chủ động, có trách nhiệm để phát triển hiệu quả, bền vững ngành khai thác thủy sản.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025: Không cấp giấy phép khai thác thủy hải sản cho tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận. Không cấp giấy phép khai thác thủy hải sản cho tàu vi phạm ở vùng biển này chuyển sang vùng biển khác. Đồng thời chuyển đổi nghề cá trong đầm phá, ven bờ, ven đảo sang nghề cá giải trí gắn với hoạt động du lịch ẩm thực và được tập huấn, chỉ dẫn, đào tạo về nghề.