Sau quý I với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,66%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024. Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm % so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 7%
Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Phần lớn các công ty may của Tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo. Dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Ông Hiếu cho rằng: “Sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD”.
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công thương cho biết thêm, dù chưa hết tháng 6 song xuất khẩu nửa đầu năm ghi nhận phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến - chế tạo ước đạt gần 160 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 43,98 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; EU đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%.
Với những tín hiệu tích cực này, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9 - 6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2%. Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV “mạnh dạn” hơn, năm 2024 có thể tăng 6 - 6,5% theo kịch bản cơ sở đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 7% ở kịch bản tích cực.
Ứng phó với những khó khăn
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Lực cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội…); sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn bảo đảm nhất quán, đồng bộ các luật đã được Quốc hội thông qua nhằm khắc phục chồng chéo, vướng mắc, bảo đảm hiệu lực thực thi; và sớm ban hành thể chế, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng…
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế phí tương tự như năm 2023. Chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống. Đồng thời, các thông tư về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và về cơ cấu lại nợ nên được sớm sửa đổi, góp phần tháo gỡ vướng mắc và tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng và bên vay.
Về phía Bộ Công thương, ông Bùi Huy Sơn cho biết, nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa do xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Tuy vậy, với hệ thống các hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường, vẫn đang mở rộng cơ hội cho các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, Bộ sẽ triển khai mạnh các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; bảo đảm an ninh năng lượng. Tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Cao Hữu Hiếu, sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, các chính sách phúc lợi cho người lao động, cần tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, bảo đảm hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng.
“Với những giải pháp căn cơ, cùng với tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt ngành sợi 6 tháng cuối năm 2024, kết quả sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn... kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt mong muốn, tăng 8-10% so với năm 2023”, ông Hiếu kỳ vọng.