Phát huy thế mạnh tạo động lực tăng trưởng
Không lựa chọn những thị trường truyền thống về gia vị trong khu vực, năm 2023 đánh dấu bước chuyển mình khi Công ty CP sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) đã chinh phục những thị trường đòi hỏi chất lượng cao hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bằng những sản phẩm organic. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã tự bằng lòng với mức tăng trưởng đúng như kế hoạch đặt ra trong một năm nhiều thách thức. “Chúng tôi cũng đã kỳ vọng sự tăng trưởng cao hơn trong năm nay, nhưng trong bối cảnh khó khăn này, việc duy trì được lượng đơn hàng tương đối ổn định đã giúp chúng tôi sớm hoàn thành kế hoạch cả năm”, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex chia sẻ.
Năm 2023 là một năm thành công của ngành lúa gạo với mức xuất khẩu gạo ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Trong lịch sử hơn 30 năm Việt Nam xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới, 2023 cũng là năm hạt gạo có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất. Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Nhìn lại bức tranh kinh tế 2023, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Andrea Coppola đánh giá, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước. Một trong những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam là tốc độ giải ngân đầu tư đã cải thiện rất nhiều so với năm 2022. Trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo công tác này.
Các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Nhờ đó, trong 11 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% so với cùng kỳ năm 2022 (số tuyệt đối cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng). Chuyên gia WB đánh giá: “Bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Việt Nam cũng thu hút nhiều sự chú ý quốc tế trong năm 2023 với những chuyến thăm của các nguyên thủ thế giới tới Việt Nam, mở ra những cơ hội mới cho làn sóng đầu tư nước ngoài về công nghệ cao vào Việt Nam”.
Cùng chung quan điểm này, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) đánh giá cao về chính sách tiền tệ và công tác điều hành tỷ giá linh hoạt của Chính phủ Việt Nam trong năm vừa qua với việc bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt trong bối cảnh cả thế giới đối mặt với lạm phát tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế. Việt Nam đã thể hiện sự năng động, phát huy được thế mạnh của nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng ở mức cao nhất. Dự báo tăng trưởng năm 2023 có thể đạt 5%.
2023 là một năm thành công của ngành lúa gạo với mức xuất khẩu gạo ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn. Ảnh: NGUYÊN NAM |
Nhiều nhân tố tác động tới khả năng phục hồi
Nhìn nhận vào triển vọng của nền kinh tế trong năm 2024, các chuyên gia đều có cái nhìn thận trọng. Bởi với độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Andrea Coppola, sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ. Những tác động sẽ có độ trễ từ xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra hiện nay, điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu. “Rủi ro chính cho năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột đối với giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc”, ông Andrea Coppola nhận định.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP lại lưu ý đến yếu tố bên trong của nền kinh tế, đó là sự phục hồi chậm tại khu vực bất động sản, một trong những khu vực có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Theo ông Jonathan Pincus: “Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang rất khó khăn khi họ gặp khó về tài chính để tiếp tục, hoàn thiện dự án. Dự báo tình hình sẽ chưa cải thiện nhiều trong năm tới. Điều này sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế. Tôi cho rằng, nền kinh tế có thể tích cực hơn trong năm 2025”.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn giữ kỳ vọng tương đối lạc quan về tình hình kinh tế trong năm tới. Theo ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội: “Năm 2023, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành da giày giảm khoảng 15%. Tuy nhiên, tình hình đơn hàng cuối năm khả quan hơn. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ tích cực hơn. Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành cũng đã có bước đầu nhận được đặt hàng cho năm 2024”.
Còn theo PGS, TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, giai đoạn quý III và quý IV/2023, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi ở một số lĩnh vực trọng điểm như chế biến - chế tạo, xuất khẩu... Đây là triển vọng tích cực cho năm 2024. Chúng ta kỳ vọng vào sự năng động của các cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu để trong năm tới, Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều thị trường và phát huy những thế mạnh xuất khẩu. Điều đó sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn năm 2023.
Để đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế thế giới. Trong đó cần có các kịch bản ứng phó với rủi ro. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến yếu tố nội lực của nền kinh tế. GS, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách trọng cung, đó là cải thiện về mặt thể chế kinh tế, tạo điều kiện về môi trường một cách tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân vốn đang bị suy giảm nguồn lực nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo PGS, TS Đào Ngọc Tiến, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và đầu tư công, làm sao để đầu tư công đi vào những dự án, công trình tạo ra sự lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế. Đầu tư công được khơi thông cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Đây sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.
Tin tưởng vào khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam, WB dự báo năm 2024, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi về mức 5,5% và 6% trong năm 2025. Còn theo chuyên gia của UNDP, mức tăng trưởng có thể đạt tới 6% và hơn 6% trong năm 2025.