Lợi dụng “thổi” giá
Đầu tháng 2 vừa qua, những người quan tâm lĩnh vực bất động sản choáng váng về một clip lan truyền trên mạng xã hội. Đó là cảnh các môi giới chạy qua lại để chốt đơn đất nền như đi… mua rau ngoài chợ. Nhìn qua, không ít người nghĩ rằng, đất đai sau Tết lại nóng sốt và thị trường bất động sản sẽ trở nên lạc quan hơn bao giờ hết, nhưng thông tin sau đó được lãnh đạo địa phương xác nhận: khu đất này không phải là dự án bất động sản, mà chỉ là mua đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền.
Thực tế, đây không phải lần đầu rộ lên các hình thức gây nhiễu thị trường và hút người xem bằng những hình thức trên. Hồi tháng 12 năm ngoái, thị trường cũng rộ thông tin nhóm người đào đường chôn cọc, rồi phao tin là đi cắm mốc tọa độ cho dự án. Những hình ảnh này sau đó cũng được chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt, kèm theo là giá rao bán đất, nhưng rồi nhanh chóng bị phanh phui là giả mạo.
Việc tung các thông tin sai lệch, giả mạo giấy tờ để thu hút sự quan tâm của thị trường là cách mà các “cò đất” thường làm để đánh vào tâm lý đầu cơ ham rẻ, mong kiếm lời nhanh của những nhà đầu tư lướt sóng. Khi đó, giá đất nền không rõ tính pháp lý chỉ từ vài trăm triệu đồng có thể tăng giá lên cả tỷ đồng là một khoản chênh lệch rất lớn, khiến ai nghe cũng thấy ham và sẵn sàng lao vào đầu tư. “Nhiều người đi mua đất nhưng không tìm hiểu kỹ nên đã bị lừa ngay tại chỗ. Sau đó rất khó bán lại vì không có ai mua. Giá đất cao chẳng qua là do các môi giới “thổi” với nhau chứ thanh khoản thị trường rất thấp, thậm chí là không có”, một người môi giới cho hay.
Nếu như trước đây, tình trạng “thổi giá” đất đai chỉ xảy ra ở các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì nay giá đất cũng tăng cao bất thường ở các tỉnh như Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Thuận, Quảng Ngãi, hay thậm chí ở Gia Lai, Lâm Đồng… Theo các chuyên gia, thực trạng sốt đất phổ biến là do lượng cung bất động sản tại các đô thị quá ít, dẫn đến xu hướng dịch chuyển ra các khu vực lân cận ngày càng nhiều. Thế nên, giới đầu cơ muốn lợi dụng thông tin quy hoạch để “đi tắt đón đầu”. Tuy nhiên, trong khi các thông tin còn chưa chính thức, quy hoạch được tung ra chưa được kiểm tra kỹ thì giá đất đai đã lên vù vù khi người người, nhà nhà ùn ùn kéo nhau đi mua đất.
Ngăn “sốt ảo” bằng cách nào?
Trước tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, nhiều lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan tách thửa đất, nhưng thực chất là biến tướng thành dự án. Tại Bình Phước, ngày 22/3, UBND TP Đồng Xoài đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa các thửa đất nông nghiệp và tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn. Không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tại Khánh Hòa, tỉnh này cũng yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất… đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng có Công văn số 1685 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và văn phòng đăng ký đất đai đề nghị tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở… Theo các chuyên gia, việc tạm dừng phân lô tách thửa trước mắt có thể giúp giảm cơn sốt ngắn hạn trên thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cần được luật hóa, hoặc sửa đổi bổ sung một số điều quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở để điều chỉnh lại một số vướng mắc liên quan đầu tư đất đai.
Còn nhớ thời điểm ra Tết năm ngoái, tình trạng tăng giá đất đã diễn ra trên khắp cả nước. Năm nay, những cụm từ “sốt đất”, “sốt ảo” tiếp tục trở lại, gây bất ổn trên thị trường.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, việc phân lô bán nền có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt đất” hiện nay. Cần có chế tài quản lý về vấn đề này. Việc tạm dừng phân lô, tách thửa là đúng nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Cần một quy định chung về việc phân lô, bán nền, vấn đề này do cấp nào quản lý, đáp ứng tiêu chí gì, ai chịu trách nhiệm… Việc quản lý tách thửa cần có sự kiểm soát, kiểm tra, giám sát theo đúng đối tượng, quyết định quy hoạch.