Khủng hoảng thiếu bác sĩ nhi tại Hàn Quốc

Tỷ lệ sinh giảm mạnh cũng như sự cạnh tranh từ các chuyên ngành khác mang lại lợi nhuận cao hơn đang dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ nhi trầm trọng tại Hàn Quốc. Chính phủ “xứ kim chi” đang triển khai nhiều chính sách nhằm giải quyết vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Một gia đình chờ bên ngoài phòng khám nhi ở Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Một gia đình chờ bên ngoài phòng khám nhi ở Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc đang phải đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa trầm trọng, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh đưa con đi khám phải chờ đợi rất lâu, thậm chí không tới lượt được khám, chữa. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, trong nửa đầu năm 2023, các bệnh viện chỉ có thể tuyển dụng 16% số bác sĩ nhi khoa, con số thấp hơn rất nhiều so 97% vào năm 2013. Theo thống kê của The Guardian, số phòng khám nhi khoa và bệnh viện ở Thủ đô Seoul đã giảm 12,5% trong vòng 5 năm tính đến năm 2022, xuống còn 456.

Lee Bomi, mẹ một bệnh nhi ba tuổi, chia sẻ: “Tôi đã phải đợi hai tuần để con trai mình được khám và điều trị. Tôi thật sự rất lo ngại”. Bác sĩ Song Dae-jin làm việc tại Bệnh viện Guro thuộc Trường đại học Hàn Quốc bày tỏ lo lắng tình trạng thiếu y, bác sĩ có thể sớm làm tê liệt dịch vụ chăm sóc khẩn cấp của bệnh viện. “Với tốc độ này, chúng tôi sẽ không thể tồn tại hết năm nay. Bệnh nhi nhẹ có thể chữa trị chậm nhưng những bệnh nhi nặng nếu không được thăm khám và cấp cứu kịp thời thì hậu quả khôn lường”, bác sĩ Song giải thích. Tháng 5 vừa qua, trường hợp một cậu bé 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp đã tử vong sau khi không tìm được giường bệnh đã gây ra làn sóng chỉ trích chưa từng có trong công chúng.

Theo Reuters, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt bác sĩ nhi khoa tại Hàn Quốc là do tỷ lệ sinh ở nước này quá thấp, khiến nhiều bác sĩ đồng loạt bỏ nghề. Tỷ suất sinh trong năm 2022 ở nước này chỉ là 0,78, tức là số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có là chưa được một trẻ. Đây là con số thấp kỷ lục tại quốc gia này trong những năm qua.

Bên cạnh đó, hệ thống bảo hiểm chưa được sửa đổi để thích ứng với số lượng bệnh nhân trẻ em ngày càng ít đi. TS Lim Hyun-taek, Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Hàn Quốc, tiết lộ các khoản thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhi của chính phủ tăng không đáng kể trong suốt 30 năm. “Ở nước ngoài, chính phủ trả đủ tiền để duy trì bệnh viện ngay cả khi chỉ có 20 bệnh nhân mỗi ngày. Nhưng chi phí cho mỗi lần điều trị ở Hàn Quốc là khoảng 10 USD nên các phòng khám phải tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân/ngày thì mới đủ chi phí vận hành”, ông Lim nhấn mạnh. Để so sánh, tại Australia, chi phí tư vấn tiêu chuẩn ban đầu với bác sĩ nhi khoa là khoảng hơn 220 USD. Trong khi đó, mỗi lần thăm khám nhi khoa trung bình tại Mỹ là khoảng 208 USD/giờ.

Vì vậy, so các đồng nghiệp ở chuyên ngành khác, thu nhập của bác sĩ nhi khoa Hàn Quốc thấp nhất trong số các bác sĩ ở 23 khoa lâm sàng. Dữ liệu từ Dịch vụ đánh giá bảo hiểm y tế cho thấy, bác sĩ nhi khoa là bác sĩ được trả lương thấp nhất ở Hàn Quốc, thấp hơn 57% so mức lương trung bình của bác sĩ. Năm ngoái, Hiệp hội Nhi khoa Hàn Quốc còn tổ chức hội thảo tư vấn cho các thành viên rời ngành nhi khoa chuyển sang các lĩnh vực lương cao hơn, như da liễu hay điều trị bệnh mãn tính cho người lớn.

Tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa đáng báo động đến mức nhiều cặp vợ chồng Hàn Quốc cho biết, không còn muốn nghĩ đến việc có con, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh. “Tôi lo nếu số lượng bệnh viện dành cho trẻ em giảm đi và số lượng bác sĩ giảm xuống, sẽ rất khó để điều trị cho trẻ em”, Kim Eun-ji, một bà mẹ 34 tuổi bày tỏ.

Trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu triển khai các biện pháp đối phó. Nhiều chuyên gia kiến nghị chính phủ nên trích một phần khoản chi ngân sách cho việc tăng tỷ lệ sinh sang đầu tư cho ngành nhi khoa. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, đây là một bài toán hóc búa, không thể giải quyết ngay lập tức, đòi hỏi giới chức “xứ kim chi” phải tiến hành tháo gỡ từng bước.