Bất ổn an ninh leo thang
Các vụ xả súng của băng nhóm tội phạm vẫn tiếp diễn tại Thủ đô Port-au-Prince của Haiti, đặc biệt là chung quanh sân bay. Cảnh sát và quân đội đã được triển khai tại sân bay ở thủ đô trong bối cảnh có tin đồn về khả năng Thủ tướng Haiti Ariel Henry trở về nước. Ông Henry đã tới Guyana để tham dự Hội nghị cấp cao Cộng đồng Caribe (CARICOM) và sau đó tới Kenya để thúc đẩy nỗ lực kêu gọi đưa lực lượng an ninh đa quốc gia đến Haiti.
Bộ trưởng Kinh tế Patrick Michel Boivert đang giữ chức Thủ tướng lâm thời của Haiti và là người ký lệnh tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm, sau khi các băng nhóm tội phạm ở Haiti đã tấn công nhà tù quốc gia, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và thả 3.597 tù nhân hôm 3/3. Chính phủ Haiti cho biết tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm có hiệu lực đến ngày 6/3, song được gia hạn trong trường hợp an ninh bất ổn. Lệnh giới nghiêm không ảnh hưởng đến các thành viên của lực lượng công đang làm nhiệm vụ như lính cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế và nhà báo.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng tại Haiti. Phát biểu ý kiến trước báo giới, Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, LHQ tái khẳng định sự cần thiết phải khẩn trương hành động, nhất là việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sứ mệnh an ninh đa quốc gia do LHQ bảo trợ tại nước này. Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi Chính phủ Haiti sớm thực hiện cam kết tổ chức bầu cử trước ngày 31/8/2025.
Các nước sẵn sàng ứng phó hệ lụy
Tổng thống CH Dominicana Luis Abinader tuyên bố, nước này đang được đặt trong tình trạng cảnh giác trước tình hình ngày càng xấu đi ở quốc gia láng giềng Haiti. Tất cả các cơ quan an ninh của CH Dominicana đều đang nỗ lực kiểm soát biên giới và duy trì trật tự trong nước. Ông Luis Abinader cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp mạnh với những đối tượng tội phạm tìm cách vượt biên vào lãnh thổ CH Dominicana.
Trong khi đó, Bahamas đã kích hoạt một chiến dịch nhằm phong tỏa biên giới phía đông nam của đảo quốc này với việc triển khai trên quy mô lớn các phương tiện trên không, trên biển và trên bộ do lo ngại hàng nghìn tù nhân Haiti vượt ngục xâm nhập lãnh thổ. Bahamas tuyên bố sẵn sàng từ chối hoặc đánh chặn bất cứ tàu thuyền nào từ Haiti.
Mexico khuyến cáo công dân không tới Haiti và khuyến nghị người Mexico đang có mặt tại đây tích trữ nước, thực phẩm, nhiên liệu, đồng thời không ra đường khi không cần thiết. Bất ổn an ninh nghiêm trọng tại Haiti khiến Đại sứ quán Mỹ tại Port-au-Prince đã yêu cầu công dân nước này rời khỏi quốc gia vùng Caribe này càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Đại sứ quán Pháp tại Haiti cũng thông báo tạm dừng các dịch vụ cấp thị thực và hành chính. Canada và Tây Ban Nha đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Haiti, hủy mọi cuộc làm việc và ra các khuyến nghị tương tự đối với công dân của mình. American Airlines và JetBlue đã đình chỉ các chuyến bay đến Haiti, trong khi hãng hàng không Spirit Airlines thông báo ngừng bay đến Port-au-Prince.
Cộng đồng các quốc gia Mỹ latin và Caribe (CELAC) kêu gọi tất cả các chủ thể chính trị ở Haiti khẩn cấp thông qua đối thoại rộng rãi để giải quyết tình hình an ninh công cộng và nhân đạo ở nước này. Năm quốc gia gồm Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin và CH Chad cam kết đóng góp nhân lực cho lực lượng hỗ trợ an ninh đa quốc gia nhằm giúp Haiti đối phó bạo lực băng nhóm.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby thông báo, Mỹ đang hợp tác với các đồng minh quốc tế để tăng tốc hỗ trợ cho Cảnh sát Quốc gia Haiti, cũng như đẩy nhanh việc triển khai phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia do Hội đồng Bảo an LHQ chỉ đạo và do Kenya đứng đầu.