Không sợ và biết sợ

Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã cho thấy sự quyết tâm ở mức cao nhất của các cấp lãnh đạo nhằm xử lý sai phạm liên quan tới các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thi hành công vụ, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng.
0:00 / 0:00
0:00

Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó chính là những “lò thiêu” đối với các cá nhân, tổ chức sai phạm, góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân.

Những vụ trọng án được đưa ra, điều tra, xét xử công khai trong thời gian qua chắc chắn đã có tác động, làm thay đổi hành vi của một số người vốn đặt nhu cầu vật chất cá nhân lên cao hơn trách nhiệm hành động công vụ. Nó đã làm “nhụt chí” những người vốn thực hiện công việc bằng mục đích cá nhân hơn là nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của tập thể, cộng đồng. Có một thực tế trong thời gian qua là: một số hoạt động của chính quyền ở địa phương, bộ, ngành có dấu hiệu… chậm lại, một phần là do các cán bộ ở nơi này… sợ. Họ sợ làm sai, làm không đúng, vi phạm những điều mà từ đó có thể khiến cho mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hay ít ra cũng phải chịu những chế tài ràng buộc. Nỗi sợ ấy có lẽ có phần xuất phát từ áp lực công việc, từ một số vướng mắc trong các thủ tục hành chính thực tế, nhưng cũng có thể do trình độ của mỗi cá nhân còn phần nào hạn chế trong thực thi công việc?

Có thể thấy rằng, nỗi lo về sai phạm trong công tác khiến cho người ta tìm cách làm cho… đúng. Điều này sẽ góp phần giúp cho công cuộc phục vụ nhân dân của từng vị trí cá nhân trong bộ máy chính quyền thêm phần chuẩn chỉ. Cái nỗi “sợ sai phạm” ấy cũng sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của các cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ.

Nỗi sợ về trách nhiệm ràng buộc trong thực thi công vụ sẽ góp phần dẫn đến việc bộc lộ những hạn chế vốn có trong điều hành công việc ở các cấp. Sự bộc lộ hạn chế này sẽ giúp cho các cơ quan chức năng tìm ra hướng xử lý để những vướng mắc ấy không còn cản trở quá trình làm việc của các cán bộ trong ngành mình. Xử lý được hạn chế, công việc sẽ hanh thông, thuận lợi. Khi ấy, người được hưởng thành quả từ những cải cách thủ tục hành chính ấy hơn ai hết chính là người dân.

Biết sợ những sai phạm, để tránh được những hậu quả đáng tiếc, cũng là cách để mỗi cán bộ từ đó thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình; không để những vướng mắc đáng ra có thể giải quyết trở thành những cản trở trong quá trình làm nhiệm vụ. Và hơn cả là sẽ không để cho quyền lợi của nhân dân bị ảnh hưởng.