Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73% (cùng kỳ tăng trưởng tín dụng đạt 10,54%).
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra hồi đầu năm cho cả năm 2023 là 14-15%. Như vậy, dù đã đi qua ba phần tư quãng đường của năm nhưng tăng trưởng tín dụng mới hoàn thành được một phần ba chỉ tiêu.
Ngân hàng thừa vốn
Trước đó, theo số liệu thống kê của NHNN, tổng huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 ghi nhận mức tăng 4,6% so với đầu năm. Như vậy, tính từ tháng 7 đến nay, bất chấp việc lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục, tiền đổ vào kênh tiết kiệm vẫn không ngừng tăng.
Thậm chí, trong một buổi họp báo của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã phải thốt lên rằng, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Điều đáng nói là, trong thời gian qua, các ngân hàng cũng chủ động tự “kê đơn” cho mình nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.
Như một đại diện của ngân hàng BIDV cho biết, trong suốt nhiều tháng qua, ngân hàng triển khai rất nhiều các gói vay lãi suất thấp cho người dân và doanh nghiệp như: gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với chủ đầu tư và người mua nhà với lãi suất 7,7 - 8,2%/năm; các gói tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, BIDV còn quán triệt toàn hệ thống tập trung rà soát chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng theo từng phân khúc khách hàng, triển khai sớm các giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhằm cung ứng vốn kịp thời cho doanh nghiệp, cá nhân.
Điều này cũng diễn ra tương tự tại Vietinbank, hay một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Tuy nhiên, kết quả là vẫn không làm thay đổi cục diện toàn cảnh tăng trưởng tín dụng, được phản ánh qua con số thống kê của các cơ quan liên quan.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó như hiện nay. Thế giới đang tăng lãi suất thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi chúng ta phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 1.000 doanh nghiệp, điều này khiến áp lực ngày càng tăng cho hệ thống ngân hàng.
Đã có rất nhiều lý giải cho việc ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp không thể với tới, nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, nhiều điều kiện cho vay được cho là làm khó doanh nghiệp, ngân hàng không hạ chuẩn cho vay… Tuy nhiên, lý giải về những điều này, ông Tú cho biết, các ngân hàng chủ yếu sống nhờ tín dụng, khi đã huy động vào thì phải cho vay ra, không thể cất giữ. Việc các ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng lại không thể cho vay cũng giống như các doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến tồn kho.
“Thế nhưng, doanh nghiệp có thể thua lỗ chứ ngân hàng thì không thể, bởi sẽ dẫn đến đổ vỡ của toàn hệ thống. Hoạt động của ngân hàng luôn phải bảo đảm sự an toàn, lành mạnh”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Cần nhiều hơn các giải pháp
Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành ngân hàng hiện nay đang đứng giữa hai sự lựa chọn vô cùng khó khăn, hoặc là gặp khó khăn trên đống tiền hoặc phải tìm cách đẩy vốn ra. Thực tế, các ngân hàng cũng rất nỗ lực khi triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Vậy câu hỏi đặt ra, đâu là “hố đen” ngăn cách giữa hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp?
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra góc nhìn về “hố đen” của nghịch lý ngân hàng ế vốn, doanh nghiệp lại “đói” vốn. Đó là trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế thế giới đang cao, ngân hàng không dám mở rộng diện cho vay, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản lại càng rủi ro cao hơn.
Ông Hiếu cũng lưu ý đến yếu tố ngược dòng của chính sách tiền tệ trong nước với quốc tế. Bởi lẽ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, nên việc hạ lãi suất trong nước dù rất đáng hoan nghênh nhưng cũng có thể đem lại rủi ro.
Giả sử trong thời gian tới, FED tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá sẽ tăng lên có thể khiến dòng vốn bị rút ra khỏi nền kinh tế nội địa, nên ngành ngân hàng phải tính toán đến rủi ro của việc đi ngược với xu hướng tài chính thế giới, khó có thể hạ chuẩn cho vay trong hoàn cảnh này dù lãi suất được điều chỉnh giảm liên tục.
Trong khi đó, có một thực tế không thể phủ nhận là khi nào sức khỏe doanh nghiệp còn yếu thì các lực lượng kinh tế còn tiếp tục bất động, dù ngân hàng tìm cách kích thích tín dụng, bơm vốn. Hiện nay, số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vẫn cao. Thống kê của Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chín tháng năm 2023 có tới 135.105 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có tới 56,1% là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Những tháng còn lại của năm 2023, NHNN có thể vẫn sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra, đồng thời cũng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn như ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống, tăng cung tiền để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Để việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đồng hành, phối hợp triển khai nhiều biện pháp. Tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có những vấn đề chúng ta không thể kiểm soát được như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới nhưng cái chúng ta có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi chính sách, như lược bỏ những quy định khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí, tăng tốc độ các quy trình, trình tự, thủ tục hành chính, tránh sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật…
Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước có tác dụng vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của thị trường. Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đồng thời gia hạn nộp thuế đối với một số loại thuế phí khác. Mặc dù giải pháp này có thể gây thất thu cho ngân sách một khoản không nhỏ nhưng về lâu, về dài có lợi ích to lớn đến toàn bộ nền kinh tế.
Các dự án đầu tư công với vai trò định hướng, dẫn dắt các nguồn vốn đầu tư khác. Nếu tình hình giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh như hiện nay, chín tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công lần đầu tiên lên trên mức 50%, một số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp trong việc giải quyết công ăn việc làm, từ đó nâng cao khả năng hấp thụ vốn vay nhiều hơn nữa.
Cùng với sự đồng hành của nhà nước cùng ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cũng nên có những sự điều chỉnh cần thiết. Đầu tiên là điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm chi phí, tăng hiệu quả. Xác định nâng cao trách nhiệm, minh bạch đối với nguồn vốn vay (theo đúng hồ sơ xin vay vốn). Có thể nói, trong hoàn cảnh hiện nay, niềm tin giữa các bên cung và cầu được cải thiện cũng mang ý nghĩa sống còn.
Một số biện pháp khác cũng cần được đẩy mạnh như tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Khó khăn trên thực tế là khó khăn chung và có thể nhìn thấy. Mỗi bên liên quan cần có ý thức rõ ràng về trách nhiệm của chính mình, trước hết về sự tồn tại và phát triển của chính bản thân mình. Có như vậy, những khó khăn, vướng mắc mới thật sự được khắc phục, từ đó đưa nền kinh tế đất nước trở lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững.