Khơi thông chính sách cho công nghiệp hỗ trợ

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu là mục tiêu đặt ra cho đến năm 2023. Theo các chuyên gia, dư địa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn, vấn đề đặt ra là cần khơi thông các chính sách để thu hút đầu tư về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để “phủ đầy” những khoảng trống về công nghiệp hỗ trợ hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua. Ảnh: NAM NGUYỄN
Ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua. Ảnh: NAM NGUYỄN

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực và đến nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI nên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng.

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp giảm kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa. CNHT còn có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Do đó, có thể nói, CNHT là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Từ năm 1949, Nhật Bản đã ban hành Luật về hợp tác với doanh nghiệp nhằm xúc tiến các hoạt động “thầu phụ”, một cách gọi khác của CNHT. Trong những năm tiếp theo, Nhật Bản tiếp tục ban hành hàng loạt bộ luật cũng như danh sách những sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ rất chi tiết và cụ thể, trong đó tập trung đến CNHT. Hiện nay, nước này đã có hàng triệu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ có quy mô dưới 50 người, nhưng tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí các ngành công nghệ cao như hàng không, vũ trụ... Ở một nước láng giềng trong khối ASEAN, Malaysia cũng bắt đầu áp dụng chính sách ưu đãi các ngành công nghiệp tiên phong từ năm 1958. Mặt khác, Malaysia rất nỗ lực trong việc phát triển và tăng cường kết nối công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với các nhà cung cấp phụ kiện trong nước. Không những vậy, doanh nghiệp CNHT của nước này còn được hỗ trợ, ưu đãi thông qua các tổ chức, chương trình, dự án,… rất hiệu quả của nhà nước. Nhờ đó, CNHT ở Malaysia phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực gia công, chế tạo linh kiện cơ khí và điện tử.

Để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công thương đã mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào CNHT, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhờ đó, ngành CNHT của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT, tăng gần 4.000 doanh nghiệp so với thời điểm năm 2016; trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn và khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Đối với lĩnh vực cung ứng linh kiện ô-tô, đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô-tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội cũng như cần được hỗ trợ để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, đầu tư mạnh mẽ hơn, liên kết chặt chẽ hơn, đòi hỏi những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Khơi thông chính sách cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: BẮC SƠN

Mới chỉ đạt hơn 45%

Trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng đặt mục tiêu, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt hơn 45%.

Để phát triển ngành CNHT, đồng thời thực hiện mục tiêu trên, gần đây nhất Bộ Công thương xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ... Về vốn, Bộ Công thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm…

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã triển khai thành lập ba trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại ba vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền bắc, miền trung và miền nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.