Ì ạch các dự án chống ngập
Các tuyến đường ở quận Gò Vấp như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, đều bị ngập nặng sau cơn mưa trái mùa tối 15/4. Các phương tiện qua lại bị chết máy, nhiều người chạy xe máy phải leo lề đường để tránh lội nước, có người quay đầu xe, tìm đường khác. Cùng chung cảnh ngộ là các tuyến đường như Phan Văn Hớn, Song Hành, Nguyễn Văn Quá (Quận 12); Nguyễn Tuyển, khu vực Thảo Điền, Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức); Tân Kỳ, Tân Quý, Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú); thậm chí là khu vực phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1) cũng bị ngập, nước ngập tràn vào các cửa hàng ăn uống, khu khách sạn, nhà nghỉ hai bên đường khiến nhân viên và các hộ dân kinh doanh phải vất vả di chuyển bàn ghế.
Anh Phan Huy Thanh (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng, mới trận mưa đầu mùa mà toàn thành phố ngập lênh láng như thế này rất đáng lo ngại khi bước vào mùa mưa và triều cường lên cao.
Về các điểm ngập, đường Võ Văn Ngân, khu vực quanh chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) là điểm ngập sâu trong những năm qua do khu vực này có địa hình dốc, nhiều khu vực ao hồ bị lấp và quá trình đô thị hóa nhanh nên khu vực này thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, từ năm 2017, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5km được duyệt nhưng mãi đến giữa tháng 10/2020, dự án mới khởi công với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng. Công trình được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thủ Đức (cũ) làm chủ đầu tư, dự kiến thi công trong vòng 17 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và đang ngưng thi công.
Tương tự, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) được mệnh danh “khu nhà giàu” nhưng nhiều năm qua người dân phải sống trong cảnh ngập nước do mưa và triều cường. Các dự án lớn như bờ tả sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2, nâng cấp hệ thống cống các tuyến Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương cũng đã được triển khai nhiều năm trước nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Một trong những công trình chống ngập lớn nhất từ trước tới nay của thành phố là dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018, được kỳ vọng giải quyết ngập cho diện tích khoảng 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh, rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra, kênh, rạch).
Nhưng công trình liên tục trễ hẹn. Từ tháng 11/2020, dự án phải tạm ngưng thi công (khối lượng thi công đạt hơn 93%) do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020). Vào đầu năm 2023, phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký và tháo gỡ vướng mắc lớn nhất cho dự án. Theo phụ lục hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024.
Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến cho biết, chủ đầu tư đang chờ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn và giải ngân, dự án sẽ được tái khởi động, cam kết về đích đúng tiến độ (theo phụ lục hợp đồng).
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tiếp tục rơi vào tình trạng chờ thi công trở lại. |
Chi hàng chục nghìn tỷ đồng, vẫn ngập
Nói về tình trạng “đến hẹn lại ngập”, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước và Môi trường TP Hồ Chí Minh Vũ Hải cho rằng, hơn 20 năm qua, thành phố đã tiêu tốn rất nhiều tiền, các nhà khoa học cũng dày công nghiên cứu nhưng đến năm 2023, tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý. Đó là do quy hoạch chống ngập đã lỗi thời. Thành phố đang thoát nước theo bản quy hoạch số 752 được lập cách đây hơn 20 năm. Đây là quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm nội thành nhưng nay đã hết niên hạn sử dụng (năm 2020). Mặt khác, đô thị phát triển nhanh chóng và tác động của biến đổi khí hậu trong hơn 20 năm qua cũng rất khác nên các thông số tính toán trong quy hoạch trên đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có bản quy hoạch số 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập. Đây là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng do triều cho vùng TP Hồ Chí Minh. Nhưng quy hoạch này có nhiều nhược điểm như kinh phí quá lớn, thời gian kéo dài, việc xây dựng tuyến đê bao quanh thành phố ảnh hưởng đến nguồn cấp nước của thành phố.
Về vấn đề này, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, bản quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố được ban hành theo Quyết định số 752 của Thủ tướng Chính phủ năm 2001, hiện đang được áp dụng chỉ đáp ứng hơn 28% diện tích của thành phố. Do đó, bản quy hoạch trên nay không còn phù hợp. Các thông số đầu vào để tính toán hệ thống thoát nước chưa lường trước được các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay. Vậy nên, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố thời gian tới.
GS, TS Lê Huy Bá, chuyên gia về môi trường đô thị cho rằng, để chống ngập hiệu quả, cần tận dụng lợi thế hệ thống kênh, rạch chằng chịt của thành phố để điều tiết nước. Song song đó là xây các hồ điều tiết nước; tăng diện tích mảng xanh; xử lý triệt để tình trạng lấn hành lang sông, kênh, rạch; xây dựng và hoàn thành các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch.
Hiện thành phố còn 13 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa, gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A (TP Thủ Đức); Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân). Bên cạnh đó, thành phố cũng còn 7 tuyến đường ngập do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7); Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức). Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất chín dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng. Cụ thể, cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) với tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng. Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) với tổng vốn 350 tỷ đồng.
Bảy dự án còn lại gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia với tổng vốn 600 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư với tổng vốn 69 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu với tổng vốn 120 tỷ đồng); Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh và nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (tổng vốn 300 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt với tổng vốn 75,5 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng với tổng vốn 79,3 tỷ đồng).
Để giải quyết bảy điểm ngập do triều cường, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, thành phố sẽ tái khởi động thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để chống ngập do triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố; giải quyết ngập cho năm tuyến trục chính gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Quốc lộ 50. Đồng thời, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập do triều cường trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Cũng theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tổng kinh phí để đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn năm 2021-2025 là hơn 101.400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hơn 31.400 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA. Trước đó, giai đoạn năm 2016-2020, TP Hồ Chí Minh đã phải chi hơn 25 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập.