Khơi thêm sức sống đề tài chiến tranh cách mạng

Thời gian qua, mảng đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ biên cương, biển đảo đang nhận được sự quan tâm thử sức của một số cây bút thuộc thế hệ mới, 8X, 9X. Kỷ niệm 44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979-17/2/2023), Thời Nay có cuộc trao đổi với các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Minh Cường, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà văn tìm hiểu thực tế về chiến tranh cách mạng và lực lượng cảnh vệ Công an nhân dân.
Các nhà văn tìm hiểu thực tế về chiến tranh cách mạng và lực lượng cảnh vệ Công an nhân dân.

Phóng viên (PV): Gần đây không ít người viết trẻ quan tâm đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Là những người đã có tác phẩm liên quan đến mảng nội dung này được xuất bản và bước đầu ghi nhận, điều gì đã thôi thúc các anh viết đề tài này?

Nhà thơ, TS, Thượng tá Nguyễn Minh Cường: Với gần 25 năm trải nghiệm trong quân ngũ, đề tài người lính, đề tài chiến tranh cách mạng như một động lực thôi thúc thường nhật. Bởi vì tôi trưởng thành trong môi trường quân ngũ, được hưởng những thành quả của thế hệ đi trước tạo ra. Tôi nghiên cứu, giảng dạy, chiêm nghiệm về những tháng ngày oanh liệt của cha ông, nên viết về đề tài ấy cũng là một lẽ đương nhiên, là trách nhiệm và bổn phận. Tôi muốn viết về những cuộc đời, những số phận người lính, của những năm kháng chiến cứu nước, nhưng đặc biệt là của thời đại hôm nay. Công cuộc bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay cũng vô cùng cam go, quyết liệt mà cần lắm sự vào cuộc của người viết.

Nhà văn Lê Quang Trạng: Trước đây, khi đọc lịch sử qua những trang sách, tôi khó mà hình dung hết được, nên cảm thấy những câu chuyện khá khô khan… Ít năm sau, có dịp được tham dự một số trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội, được tham quan các di tích kháng chiến, bảo tàng chứng tích chiến tranh, được tiếp xúc với nhiều cựu chiến binh…, những câu chuyện về lịch sử và chiến tranh hiện ra trong tôi một cách đầy xúc cảm rung động và hiện thực. Sự rung động ấy đã thôi thúc tôi viết, như một cách nhắc nhớ mình về một quá khứ hào hùng của dân tộc. Vừa qua, tôi có in một tập truyện ngắn mang tên “Khói biên phương”, gồm những truyện ngắn viết về chiến tranh cách mạng của tôi trong khoảng tám năm qua. Tôi đang ấp ủ một quyển truyện dài hơi hơn, nhưng trước mắt chắc là phải có một cuộc “nạp năng lượng”, đọc và đi để lắng đọng cho những trang viết mới.

Nhà văn, TS Lê Vũ Trường Giang: Tôi bị ám ảnh trước những vết hằn của bom đạn trên những bức tường thành Huế. Một hố bom, vết thương thân thể và ký ức những cựu chiến binh tham gia các cuộc chiến tranh vệ quốc, những nỗi buồn, những bi tráng còn đó trong mắt những người đối diện. Trong chiêm bao, tôi nghĩ nhiều về lịch sử, về sự thật của những ngày qua. Từ những đổ nát của biết bao phế tích ở mảnh đất Cố đô, và tôi luôn nuôi giữ cho mình một ước muốn nhỏ là dựng chúng dậy để kể về những câu chuyện xa xưa, những tháng năm trong lửa đạn, trong hào hùng, trong nước mắt. Sau này, đi đến đâu cũng vậy, những phế tích của chiến tranh luôn gây cho tôi sự chú ý mạnh mẽ, ám ảnh tôi trong sự thinh lặng của thời gian. Thỉnh thoảng có vài cơn đau, thốt lên đâu đó trong quá khứ hào hùng mà rất đỗi bi tráng của dân tộc.

Trong tương lai gần, tôi tiếp tục thực hiện những truyện ngắn và tiểu thuyết lấy cảm hứng từ đề tài này và trong đó chú trọng đến văn học vết thương, văn học ký ức.

PV: Trong quá trình viết, tích lũy vốn sống, các anh đã tìm hiểu thực tế ra sao để có những tác phẩm trước hết là tâm đắc với bản thân?

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Tôi làm công tác nghiên cứu khoa học quân sự, nên đương nhiên có sự tìm hiểu, tích lũy về lịch sử chiến tranh vệ quốc. Với điều kiện công tác của mình, tôi cũng dành thời gian đi nhiều, đến với hầu hết các đơn vị trong toàn quân. Ở đó, những câu chuyện, những cảnh huống, những con người của quá khứ, hiện tại cứ thẩm thấu, thẩm thấu và trở thành kho tư liệu, trở thành vốn sống ngày càng dày thêm và đáng quý. Tôi sẽ dùng dần cho nghiệp viết của mình, ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời mà cảm thấy mọi thứ đều chín tới.

Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi may mắn quen biết được với một số cựu chiến binh từng có thời gian dài tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, truy quét tàn quân Khmer Đỏ, cùng một số anh, chú trong đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Những người “bạn vong niên” này chính là kho vốn sống và khơi nguồn cảm xúc để tôi tìm hiểu, cũng như sáng tạo.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang: Trong nỗ lực làm việc và khả năng cho phép của mình, tôi luôn xem trọng việc tích lũy vốn sống, kinh nghiệm, trải nghiệm hiện thực. Tuy nhiên, hành trang của một nghiệp viết không dừng lại ở tính dự định mà phải thực hành. Tôi đi theo kim chỉ nam của sự sáng tạo trong bốn chữ: “Đi-học-đọc-viết”. Đi khắp nơi, đi tất cả, đi nơi mình thích, đi lúc nào có thể đi, đi một mình, như đại văn hào Voltaire: “Niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc đời là sự cô độc bận rộn” vì được đi. Học những gì có thể học, bất kỳ lĩnh vực nào, học các bạn trẻ, những nhà văn lớn, học những ai có thể học. Đọc gần đọc xa, đông tây kim cổ, trong nước, nước ngoài, văn học, ngoài văn học, đọc để kiến văn mở rộng, đọc sâu, đọc sát, đọc chuyên, đọc triệt. Và cuối cùng mới là sự viết khi sự hoài thai đã đến độ viên mãn.

PV: Các anh có nghĩ tác phẩm về chiến tranh cách mạng sẽ luôn thu hút độc giả trẻ không?

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Giờ người trẻ dành cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày dán mắt vào điện thoại với Zalo, Facebook, YouTube, Tiktok... Có người đọc sách là rất mừng. Tôi nghĩ, việc đầu tiên bây giờ phải là làm sao để trẻ em chịu đọc sách cái đã, rồi mới đến sách gì.

Nhà văn Lê Quang Trạng: Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả, kể cả độc giả trẻ. Quá khứ, trong đó có đề tài chiến tranh là một trong những chủ đề. Và ở mỗi thời đại, sẽ đặt ra cho người viết một cách thể hiện khác nhau, về những chủ đề ấy. Vấn đề là, người viết làm sao thể hiện một vấn đề “cũ” bằng một cách mới và tiệm cận với xu hướng thời đại hơn.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang: Tôi nghĩ là có, rất nhiều nữa là đằng khác nhưng quan trọng là viết như thế nào, có đạt được giá trị chất lượng về nội dung và nghệ thuật hay không. Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa là xu hướng chính của mọi nền văn chương trong thế kỷ 21. Chúng ta bằng mọi giá phải tiệm cận được những chuyển động, thành tựu của văn học thế giới và tìm một chỗ đứng tương xứng với thể tính dân tộc.

Phải chăng cốt cách văn hóa, lịch sử dân tộc và những nội lực khác chưa khai thác hết để khiến văn chương nước nhà vạm vỡ thêm nữa. Chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng một “tự sự về đất nước” (narrative of the nation). Đành rằng việc đào xới tất cả những câu chuyện, hình ảnh, phong cảnh, biến cố lịch sử, di tích và phong tục có khả năng tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc, tính dân tộc… đã, đang làm nên một cuộc tạo dựng thành công, quy mô về “tự sự về đất nước” và sẽ mở ra những chiều kích táo bạo, thăng hoa hơn nữa. Và độc giả trẻ hiện nay đang mong chờ điều đó.

PV: Cần có giải pháp nào để phát huy mảng đề tài này?

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Trước hết phải viết hay, viết sâu sắc. Thứ nữa là đa dạng hóa các nguồn truyền tải tác phẩm đến bạn đọc trẻ. Còn ở tầm vĩ mô, đó là việc giáo dục truyền thống, việc phát triển văn hóa đọc.

Nhà văn Lê Quang Trạng: Sách mới viết về chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc hiện nay không hiếm, nhưng tôi cảm giác sách đề tài này vẫn chưa có sức lan tỏa rộng. Tôi nghĩ cần có thêm những cách thức truyền thông để thu hút độc giả. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng nên có thêm nhiều cuộc thi đề cao cách thể hiện mới cho những sáng tác về đề tài chiến tranh để kích thích và khơi dậy sự sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm hơn nữa…

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang: Theo thiển ý của tôi, cái quan trọng là người viết, là chủ thể sáng tạo. Chúng ta may mắn sống trong hòa bình, nhiều cơ hội, thuận lợi được mở ra cho văn chương. Ngoài kia, “những chân trời không có người bay” vẫn đương chờ chúng ta, đừng ngại ngùng, đừng né tránh. Trong sự lang thang cùng con chữ, “tìm giới hạn” và “chỗ đứng một và chỉ một” của chúng ta là đã vượt thoát khỏi thế giới nhỏ bé của mình rồi. Và nhiều thứ liên quan và có ảnh hưởng khác nữa về cơ chế, chính sách, sự tương tác, hỗ trợ của khoa học…

PV: Xin trân trọng cảm ơn các nhà thơ, nhà văn!

Sách tranh về Trường Sa cho thiếu nhi

Công ty Lionbooks và NXB Hà Nội vừa ấn hành bộ sách tranh song ngữ Việt - Anh “Trường Sa! Biển ấy là của mình”, gồm hai tập: “Phong ba nơi đầu sóng” và “Biển ấy là của mình”, dành cho độc giả nhí dưới 10 tuổi. Sách do nhà báo, nhà văn Bùi Tiểu Quyên, tác giả cuốn sách được nhiều người yêu thích - “Cà Nóng chu du Trường Sa” - viết lời cùng phần minh họa dễ thương của nữ họa sĩ Thanh Phan với thông điệp “Để mỗi bạn nhỏ thấy Trường Sa không xa”. Bộ sách này nằm trong dự án sách “Em yêu Việt Nam mình” của Lionbooks.

Nhân vật chính của bộ sách đáng yêu là chú chó nhỏ mang tên Phong Ba được sinh ra trên đảo Sinh Tồn (Trường Sa). Cùng với những người bạn của mình: Ốc Nhảy, Cát, Sóng Trắng, Đại Dương, San Hô và Bão Táp, Phong Ba đã có những ngày tháng trưởng thành tràn ngập niềm vui và yêu thương ở nơi đầu sóng.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên hy vọng rằng, sự tiếp nhận ban đầu này sẽ cho các bé những ấn tượng, tình cảm riêng về biển đảo và đất nước mình. Gieo vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu dành cho quê hương đất nước cũng giống như cách mà ta vun trồng, tưới mát những mầm xanh.