Thay đổi để tồn tại và phát triển
Về thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, hỏi người dân nơi đây về cái tên Nguyễn Minh Đạo, ai cũng hồ hởi giới thiệu bằng những lời khen có cánh. Họ bảo anh “có trách nhiệm”, “giàu nhiệt huyết”, “biết tìm tòi, sáng tạo”. Tôi tin bởi tôi hiểu người dân vùng biển quanh năm “ăn sóng nói gió” họ thẳng thắn lắm, tình cảm lại càng sòng phẳng. Họ yêu, ghét rõ ràng, không phải cứ con em địa phương là sẽ được bảo vệ, châm chước. Còn đáng quý hơn nữa, bởi thứ tình cảm này chẳng phải tự nhiên mà có, mà nó được vun vén, hun đúc qua quá trình lao động, cống hiến không biết mệt mỏi của Đạo.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm mắm, từ nhỏ Đạo đã phải chứng kiến bao nỗi vất vả và trăn trở của bố, mẹ với sự thất thường, thịnh, suy của nghề. “Ngày đó, ba tôi đi đánh cá, mẹ thì ở nhà làm mắm. Thu hoạch được mẻ mắm nào, mẹ khó nhọc gánh đi rao cho các xã lân cận. Tuy vất vả, nhưng thương hiệu mắm của gia đình dần được định hình và trở nên quen thuộc trong khẩu vị ăn của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Nhưng rồi, cuộc sống dần trắc trở, nguồn nguyên liệu thiếu hụt cộng với thị trường bấp bênh khiến cho “cần câu cơm” của gia đình tôi cứ bị thu hẹp dần rồi trở nên khủng hoảng...”, Đạo bồi hồi.
Mang hy vọng vực dậy kinh tế của gia đình, bước sang tuổi 23, Đạo phải tha phương sang Nhật Bản lao động. Đến cuối năm 2018, sau khi hết hợp đồng lao động, Đạo trở về và quyết định nối nghiệp nghề làm mắm của gia đình với quyết tâm cao: “Một ngày nào đó thương hiệu mắm của gia đình sẽ được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh biết đến, sẽ có mặt trên khắp các gian hàng trong những siêu thị lớn, được đại diện cho hình ảnh quê hương...”.
Để thực hiện giấc mơ đó, Đạo đã mạnh dạn thay đổi, “chuẩn” hóa trong từng khâu sản xuất. Từ khâu chọn nguyên liệu: Thu mua cá, muối trắng... đến các công đoạn sản xuất khác như trộn cá và muối, ủ chượp, phơi chượp, rút nước mắm và lọc mắm, kiểm định đều được anh Đạo thực hiện một cách tỉ mỉ, chuyên nghiệp.
“Ngoài chất lượng đã được khẳng định từ bao đời của dòng nước mắm truyền thống, tôi muốn xây dựng một hình ảnh thật chỉn chu cho sản phẩm của mình với hai tiêu chí bắt buộc: Vệ sinh và thẩm mỹ. Để làm được điều đó, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn sản xuất. Cứ nhỏ lẻ, manh mún mãi, những người làm mắm truyền thống sẽ không đủ sức cạnh tranh”, Đạo bộc bạch.
Với sức trẻ, sự kiên trì cộng với những tư duy thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, anh Đạo đã cùng mẹ xây dựng nên được thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hảo nức tiếng gần xa. Hiện nay, gia đình anh Đạo đã quy hoạch xưởng sản xuất với tổng diện tích 260 m². Trong đó bao gồm: 1 nhà đóng gói sản phẩm, 1 nhà lọc mắm, 1 kho đựng muối và 1 kho lưu trữ sản phẩm. Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, hiện gia đình bà Hảo sản xuất thêm các sản phẩm mắm tôm, mắm chua, lượng tiêu thụ đạt 10 tấn/năm.
Đưa thương hiệu “bay xa”
Ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hình ảnh cho sản phẩm, anh Đạo chủ động tiếp cận thông tin, mở rộng quy mô làm nghề, từng bước đưa thương hiệu sản phẩm “bay xa”. Hiện nay, gia đình anh Đạo đã hoàn thiện khu xưởng sản xuất, chế biến mắm với tổng diện tích khoảng 400 m²; trong đó bao gồm: Nhà kho lưu trữ muối, khu bể chứa mắm chượp, khu đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Sản lượng bình quân đạt khoảng 2.000 lít nước mắm/tháng, khoảng 1 tấn các loại mắm tôm, mắm chua/tháng. Lợi nhuận đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng. Anh Đạo cho biết: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương hiệu nước mắm truyền thống của quê hương cần có sự tham gia tích cực, đi sâu hơn nữa vào chuỗi liên kết giá trị”. Bởi vậy, trong thời gian qua, gia đình anh Đạo đã chú trọng hơn đến đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu (bao bì, nhãn mác), quy trình hoàn thiện, đóng gói sản phẩm... Đặc biệt, gia đình nỗ lực liên kết với một số cửa hàng nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, những đại lý lớn có yêu cầu cao về chất lượng đầu vào sản phẩm trên địa bàn toàn huyện, nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Cao Bằng...
Ngoài những kênh phân phối sản phẩm truyền thống, anh Đạo còn nhạy bén cập nhật công nghệ thông tin, đẩy mạnh marketing, truyền thông để tiếp cận được lượng khách hàng rộng hơn, đa dạng hơn. “Hiện nay, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hảo đã có cho mình nhiều kênh phân phối sản phẩm trên không gian mạng: một trang mang tên: “Mắm Truyền Thống Khúc Phụ - Bà Hảo”, đưa sản phẩm lên Shopee,... Nhờ những kênh bán hàng mới này mà sản phẩm của gia đình anh đã, đang tiếp cận được với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, từ bình dân đến trung lưu, thượng lưu”, anh Đạo hồ hởi.