Cạnh tranh 125 ghế Thượng viện
Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế được bầu lại theo định kỳ ba năm một lần. Trong cuộc bầu cử năm nay, hơn 500 ứng cử viên dự kiến sẽ cạnh tranh 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện, trong đó 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và một ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa.
Trong cuộc bầu cử này, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và đảng Công minh đặt mục tiêu giành ít nhất 56 trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại. Giới phân tích nhận định đây là một mục tiêu khá khiêm tốn đối với liên minh cầm quyền. Vì vậy, hai đảng có thể sẽ dễ dàng hoàn thành mục tiêu đó, qua đó tiếp tục duy trì thế đa số ở Thượng viện sau bầu cử, vì hiện tại hai đảng vẫn còn 69 ghế chưa tới thời gian bầu lại ở cơ quan lập pháp này.
Cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới diễn ra trong bối cảnh đồng yên Nhật Bản giảm giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Vì vậy, việc tìm giải pháp đối phó các vấn đề mới nổi này để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế dự báo sẽ là những vấn đề nóng trong chiến dịch tranh cử. Trên mặt trận đối ngoại, xung đột quân sự Nga - Ukraine, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên... sẽ là những vấn đề thu hút sự chú ý của công chúng.
LDP đặt trọng tâm ngoại giao và an ninh
Ngày 22/6, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã công bố các cam kết tranh cử với bốn trụ cột, gồm: Bảo vệ Nhật Bản bằng chính sách ngoại giao và an ninh kiên quyết; ứng phó tình trạng giá dầu cao và giá cả leo thang, bảo vệ cuộc sống người dân và các ngành công nghiệp; ứng phó thảm họa thiên tai; kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, cân bằng với các hoạt động kinh tế-xã hội.
Trong đó, bảo vệ Nhật Bản bằng chính sách ngoại giao và an ninh được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu, với một loạt biện pháp như: tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, nỗ lực hỗ trợ nhân đạo Ukraine và các nước láng giềng; đóng vai trò đi đầu với tư cách thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); đẩy nhanh việc thiết lập một trật tự kinh tế tự do công bằng, hỗ trợ nhân quyền, kiểm soát xuất khẩu; mở rộng cho vay ODA, thúc đẩy an ninh kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên tầm nhìn chiến lược và linh hoạt.
Nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đảng LDP cầm quyền xác định sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Australia, Ấn Độ, châu Âu, ASEAN, các quốc đảo Thái Bình Dương; nỗ lực xây dựng một trật tự quốc tế mới và cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; củng cố giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân...
Nhằm củng cố sức mạnh quốc phòng, LDP cam kết sẽ thúc đẩy sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia, xây dựng chiến lược quốc phòng mới và kế hoạch phát triển sức mạnh phòng vệ; tăng chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới; phát triển có chiều sâu ngành công nghiệp quốc phòng; cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nhân viên lực lượng phòng vệ. LDP sẽ mở rộng cơ chế hoạt động của Lực lượng bảo vệ bờ biển, tăng cường phối hợp giữa Lực lượng bảo vệ bờ biển và Lực lượng phòng vệ trên biển nhằm bảo vệ vững chắc lãnh thổ, vùng trời, vùng biển.
Bên cạnh đó, LDP cam kết sẽ tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế như triển khai Luật Bảo đảm an ninh kinh tế, đưa an ninh kinh tế vào Chiến lược An ninh quốc gia; tăng cường mạnh mẽ chuỗi cung ứng vật liệu quan trọng và hỗ trợ nghiên cứu phát triển các công nghệ mũi nhọn.