Khó giải bài toán xử lý rác thải

Ước tính mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh phát sinh hơn 10 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Hiện, việc xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân chung quanh các bãi rác. Trong khi việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại vẫn đang bế tắc…
0:00 / 0:00
0:00
TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó trong thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.
TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó trong thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.

Ám ảnh mùi hôi

Những ngày tháng 7, cứ vào buổi chiều hoặc tối những ngày mưa to gió lớn, cư dân khu vực đường Nguyễn Lương Bằng (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) đều khó chịu với mùi hôi của rác hòa lẫn trong không khí. Chị Lê Thị Lan sống trong Khu đô thị cho hay, mùi hôi rất đậm đặc theo hướng gió từ khu xử lý rác Đa Phước thốc mạnh về. Nhiều lúc, nhiều hộ dân phải đóng cửa nhà.

Cư dân chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7) cũng phải đóng kín cửa để ngăn mùi rác thải. “Mùi rác nồng nặc từ bãi rác Đa Phước, nơi mỗi ngày vẫn tiếp nhận hàng nghìn tấn rác thải nhưng chủ yếu lại xử lý bằng phương pháp chôn lấp, khiến cho cư dân đều sống trong không khí ngộp thở”, bà Mai Hồng Diễm, sống trong chung cư bức xúc phản ánh.

Khu Liên hợp xử lý rác Đa Phước nằm tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay, Khu Liên hợp đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân thành phố, nhất là khu vực Nam Sài Gòn như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh…, bởi mùi hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Hiện, khu Tây Bắc thành phố cũng đang bị ảnh hưởng do mùi rác khủng khiếp này.

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ khắp nơi trong thành phố về khu liên hợp này do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) thực hiện theo hợp đồng có thời hạn 50 năm, ký với cơ quan chức năng và chính thức hoạt động từ năm 2007. Hiện tại, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang hoạt động và mỗi ngày tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 tấn rác, chiếm 75% tổng khối lượng rác của toàn thành phố. Hằng ngày, có khoảng 500 xe chở rác về đây và được phun hóa chất khử mùi rồi phủ bạt để rác tự hoại. Thế nhưng, mỗi khi công nhân dỡ bạt phun hóa chất, mùi rác lại thoát ra theo gió bao phủ cả một vùng rộng lớn.

Về vấn đề này, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) thừa nhận những khó khăn về chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy xử lý chất thải nên dẫn đến việc xử lý rác thải chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo đó, thành phần rác chưa qua phân loại tại nguồn có độ ẩm rất cao, với thành phần rác sinh hoạt chiếm đến 80%, trong khi nếu sử dụng công nghệ đốt hoàn toàn sẽ tốn nhiều chi phí, giá xử lý rác theo công nghệ đốt cao, chưa phù hợp ngân sách và điều kiện kinh tế của thành phố hiện nay.

Ngoài ra, một số nguyên nhân được Tổng Giám đốc VWS David Dương cho biết, hiện thành phố vẫn chưa thực hiện vành đai xanh cách ly 322ha; một số hộ dân thuộc dự án vành đai cây xanh cách ly đang sinh sống kế bên VWS; đoạn đường từ đại lộ Nguyễn Văn Linh dẫn vào VWS vẫn chưa mở rộng, không được phun xịt, rửa đường, xuống cấp; hệ thống phân loại và sản xuất phân compost đã được xây dựng hoàn tất cuối năm 2010, nhưng đến nay công tác phân loại tái chế và chế biến phân compost chưa được vận hành theo như kế hoạch…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi năm, thành phố phải chi khoảng 3.500 tỷ đồng cho xử lý rác. Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030. Thế nhưng, tính đến tháng 7/2022, các dự án phục vụ cho mục tiêu trên phần lớn đang chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau.

Khó giải bài toán xử lý rác thải ảnh 1

Rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy nhiều kênh rạch.

Không dễ tháo gỡ

Một trong những khó khăn khi thực hiện các dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện được các chuyên gia về môi trường chỉ rõ là sử dụng công nghệ đốt có chi phí rất tốn kém, chưa phù hợp với ngân sách và điều kiện kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Cũng theo ông David Dương, khó khăn cho nhà đầu tư lựa chọn công nghệ và hướng đầu tư phù hợp theo giá bán điện thấp, giá xử lý rác thấp phù hợp với nền kinh tế.

Về quá trình triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ tiên tiến tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với thành phố triển khai xây dựng ba nhà máy đốt rác phát điện (đều tại huyện Củ Chi), công suất đốt 6.000 tấn rác/ngày (không cần phân loại), dự kiến hoạt động từ năm 2021. Đó là các dự án nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý 2.000 tấn/ngày của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (thuộc Khu Liên hợp xử lý rác Tây Bắc); nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi ở xã Phước Hiệp. Vậy nhưng, đến nay vẫn chưa có dự án nào hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu quy hoạch 1/500 nên doanh nghiệp chưa đủ căn cứ pháp lý để vay vốn, đầu tư triển khai dự án.

Trao đổi với Thời Nay về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, cơ quan chức năng liên quan của thành phố, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp doanh nghiệp sớm giải quyết những vướng mắc trên. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là các nhà máy điện rác này cần được đưa vào quy hoạch điện quốc gia. Sắp tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hoàn tất quy hoạch điện VIII, tạo điều kiện để thành phố giải quyết vướng mắc này. “Dự báo lượng rác thải sinh hoạt của thành phố sẽ tăng 10% mỗi năm, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp tỉnh Long An triển khai dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An để góp phần giải quyết lượng rác trên”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Liên quan đến dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An, ngày 12/7, tại buổi khảo sát thực địa về việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sẽ sớm có văn bản trả lời nhà đầu tư cũng như chính quyền tỉnh Long An trong thời gian sớm nhất.

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã có cuộc làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về hoạt động quản lý thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố kiến nghị Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện năm 2022. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Để đạt chỉ tiêu tới năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, bên cạnh việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác thải rắn sinh hoạt, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố. Liên quan tới phương án này, thành phố đề nghị xem xét thêm kiến nghị của doanh nghiệp về lộ trình, hướng dẫn, hỗ trợ khi thực hiện chuyển đổi.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, thành phố đã mời các đơn vị lên làm việc để định hướng chuyển đổi công nghệ. Hầu hết thống nhất với chủ trương, tuy nhiên, họ đề nghị cần tăng thêm công suất của nhà máy. Việc giao rác hiện phải thông qua đấu thầu, do đó nhiều nhà đầu tư chưa yên tâm và mặn mà với việc chuyển giao công nghệ xử lý vì chưa có sự bảo đảm về nguồn rác. “Chủ trương của thành phố sẽ theo hướng mua dịch vụ, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ và công nghệ xử lý”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nêu rõ.