1/ Cả nhóm tác giả điêu khắc trên vừa tổ chức và tham gia đồng loạt triển lãm Workshop điêu khắc “The May” vào tháng 5 tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, (những người tổ chức chủ chốt và là tác giả hiện đang lãnh đạo Khoa điêu khắc của trường). Trong những ngày triển lãm “The May”, chủ nhà hàng Cá Lăng Toàn Thắng là ông Trần Thanh Toàn, thường gọi là ông Toàn “cá lăng” đã trân trọng mời tất cả tác giả và toàn bộ giảng viên Khoa Điêu khắc đến nhà hàng thưởng thức đặc sản, và thưởng lãm không gian nhà hàng - “bảo tàng sống” của ông. Được biết, ông cũng là người đầu tiên mua lại chính tác phẩm điêu khắc - sắp đặt cỡ nhỏ “Cá - Người vào Rọ” của Kù Kao Khải và xây bệ đặt ở giữa khoảng nhìn ra sông của “bảo tàng sống”, ngay sát bên dòng sông Hồng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy…
Các sáng tác trong “Art is Life” lần này của các tác giả điêu khắc, hội họa đều được sáng tác mới trong năm 2018. Nhà sưu tầm - triển lãm (NST) Trần Thanh Toàn sẵn sàng hỗ trợ và triển lãm hoàn toàn miễn phí khi mời tác giả và tổ chức ngày khai mạc. Việc trưng bày, chọn địa điểm, ánh sáng phù hợp cho các tác phẩm lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tác giả. Các tác phẩm sơn dầu thường được trưng bày bên ngoài, dọc lối ra vào và cách xa một chút khu ẩm thực. Bên cạnh các bàn ẩm thực ở tầng trên (rộng 500 m) là các tác phẩm điêu khắc bằng các chất liệu gỗ, kim loại bền vững, không bị ảnh hưởng bởi khói, mùi. Ở khu vực tầng dưới, sát bờ sông (rộng 600 m) và ở ngoài vườn là một số tác phẩm điêu khắc sắt khổ lớn. Các tranh sơn dầu còn lại được bày trong phòng có điều hòa xuyên suốt để bảo vệ tác phẩm…
2/ Khi trò chuyện riêng với NST Trần Thanh Toàn, tôi được biết nhiều nét thú vị khi nhà hàng Cá Lăng của ông đã nảy sinh ý tưởng làm “bảo tàng sống” không phải mới đây hoặc do yếu tố khách quan tác động. NST cho biết ông sinh năm 1964 ở trong phố cổ, và bỏ mọi việc kinh doanh tự do để mở quán Cá Lăng Toàn Thắng này từ năm 1999, ngay trên mảnh đất của gia đình ông để lại, thời gian đó giống như “khám phá bằng lều ở khu vườn hoang” cạnh bờ sông Hồng. Cho đến tận năm 2010, ông mới có điều kiện để cải tạo vườn và mở rộng nhà hàng xuống tầng dưới cạnh bờ sông.
Sinh ra trong phố cổ, thói quen buổi sáng của ông từ khoảng 30 năm về trước vẫn là ngồi ở quán cà-phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân. Và ông luôn thích ngắm tranh của bao danh họa để lại ở quán cà-phê này từ thời bao cấp khó khăn. Đó cũng là ý tưởng nung nấu của NST để lập “bảo tàng sống” cho chính mình và bạn bè sau này. Khoảng năm 2015, 2016, ông vui mừng khi quen với hai họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hổ (sinh năm 1977) và Lê Nguyên Mạnh (sinh năm 1980) và sau đó là tác giả sắp đặt - điêu khắc Kù Kao Khải (sinh năm 1978). Duyên kết hợp với các họa sĩ trẻ “Hậu Đổi mới”, tuổi chỉ sau NST ngoài một thập kỷ trong năm 2017, đã giúp ông tổ chức hai triển lãm cỡ lớn cho hai tác giả tranh Lê Nguyên Mạnh và tác giả Kù Kao Khải với những bức tranh phù điêu gỗ.
Cùng với các triển lãm cho thế hệ hiện sinh, NST cực kỳ tự hào về việc đã mua được một bản tượng đài bê-tông cỡ nhỏ của điêu khắc gia Nguyễn Hải trưng bày trang trọng ngay cửa ra vào. NST tâm sự về mong muốn làm “Bảo tàng sống Cá Lăng Toàn Thắng” lâu dài hơn nữa, là để nối dài cho đông đảo người xem thưởng ngoạn nghệ thuật ẩm thực đến thưởng thức nghệ thuật thị giác bằng tinh thần, và mong muốn thúc đẩy sự trỗi dậy, trưởng thành của các nghệ sĩ trẻ.
NST chia sẻ, qua những chuyến đi cả trong và ngoài nước nhiều lần, ông thấy có rất nhiều khuynh hướng trong việc thưởng thức món ăn tinh thần ở nước ngoài. Có khi khán giả xem trưng bày tác phẩm cùng với việc thưởng thức “ẩm” hay “thực”. Còn ở nước ta hiện nay, việc xem tranh và tác phẩm điêu khắc trong bảo tàng, hoặc các gallery thì khá là xa cách với “nghệ thuật ẩm thực” hay “nghệ thuật thư giãn”. Ông cho rằng, tại sao con người nói chung vẫn gọi nghệ thuật thị giác hay nghệ thuật ngôn ngữ hay kể cả sân khấu – điện ảnh là “món ăn tinh thần”, mà không tìm cách cho nghệ thuật ẩm thực và nghệ thuật tinh thần có đời sống song sinh, song toàn?