BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2022-2025”

Khát khao bảo tồn tiếng nói Chơ Ro

Nói chuyện với già làng Thổ Nơi và được nghe về ước mơ của anh Điểu Toa khi muốn bảo tồn chữ viết dân tộc, tôi cảm mến và rất khâm phục nghị lực của anh khi trong tám năm, anh đã sưu tầm, biên soạn cuốn từ điển Chơ Ro và đang chờ đợi ngày được phát hành.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất tặng giấy khen cho già làng Thổ Nơi và anh Điểu Toa. Ảnh: QUANG HOÀNG
Đồng chí Trần Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất tặng giấy khen cho già làng Thổ Nơi và anh Điểu Toa. Ảnh: QUANG HOÀNG

Đến với vùng miền quê đáng sống xã nông thôn mới xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), chúng tôi cảm nhận được không khí sôi động, tình cảm khăng khít, gắn kết cộng đồng, nhân lên sự đoàn kết trong cộng đồng người dân tộc Chơ Ro.

Ước mơ cuốn từ điển được phát hành

Già làng Thổ Nơi chỉ tay về phía người dẫn chương trình bằng tiếng dân tộc Chơ Ro trên sân khấu và nói với tôi: “Để có được lớp trẻ kế cận, tiếp tục gìn giữ được truyền thống của dân tộc mình trong thời kỳ đổi mới, chúng tôi đã bồi dưỡng thêm lớp thế hệ trẻ của buôn làng, trong đó đã có sự nỗ lực rất lớn từ Điểu Toa, sinh năm 1974, có công sức rất lớn từ việc bảo tồn tiếng dân tộc mình, tiếp tục nghiên cứu và phát triển các bản dân ca của dân tộc, lưu giữ tiếng cồng chiêng của buôn làng cho bay cao, bay xa hơn, để nhiều người biết đến văn hóa dân tộc Chơ Ro rất đặc sắc, không chỉ ở Xuân Thiện”.

Đồng bào Chơ Ro, gắn bó với núi rừng, với nương rẫy, với những mảnh đất ở nơi vùng sâu, vùng xa, khi mà thiên nhiên còn nhiều hoang sơ, vạn vật trở nên hữu linh, các hiện tượng mưa, gió, sấm, chớp, cùng những sự vật hiện diện trong cuộc sống thường ngày như đất, đá, cây cối, sông nước, núi, rừng… đâu đâu cũng ẩn khuất linh hồn của các vị thần linh ngự trị, cai quản và tác động đến đời sống của con người. Theo các nguồn tư liệu, trong dòng chảy tín ngưỡng đa thần của người Chơ Ro, thì thần lúa (OpYangva) tượng trưng cho sự ấm no và thần rừng (OpYangVri) tượng trưng cho sức mạnh, chiếm vị trí quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, hầu hết lễ nghi truyền thống đều được truyền miệng từ đời này qua đời khác, dường như không ai trong cộng đồng còn sử dụng chữ viết, hiện nay chỉ còn giữ tiếng nói. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ của buôn làng bắt đầu hòa nhập cuộc sống, công nghệ 4.0 và hiện nay các em nói tiếng Việt rành hơn tiếng mẹ đẻ.

Sợ tiếng nói dân tộc mình mai một theo thời gian, đó là niềm trăn trở của Điểu Toa. Yêu tha thiết truyền thống văn hóa dân tộc mình, anh đã quyết định bảo tồn chữ viết dân tộc mình. Thông qua các tư liệu còn sót lại ở buôn làng, vốn được lưu truyền qua nhiều đời, qua tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng dân tộc Chơ Ro trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khu vực Đông Nam Bộ, anh đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra bộ chữ Chơ Ro - mượn chữ cái La tinh với 26 chữ cái.

Điểu Toa chia sẻ chân thành: “Dân tộc Chơ Ro không có chữ viết riêng nên mọi thông tin đều truyền miệng. Với mong muốn để thế hệ trẻ trong cộng đồng phát âm đúng tiếng nói của ông cha, tôi đã mày mò phiên âm tiếng nói của dân tộc ra chữ quốc ngữ để chỉ dẫn cho trẻ em. Từ suy nghĩ ấy tôi đã dành gần tám năm để nghiên cứu cuốn từ điển như chữ viết, nguyên âm và cách phiên âm, phát âm”.

Khi những bông hoa hoàng anh nở rộ trong nắng vàng tươi ươm sóng sánh, khi những con đường đã được bê-tông hóa khang trang sạch đẹp, cộng đồng dân tộc Chơ Ro vui mừng vì được cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng nhà văn hóa dân tộc Chơ Ro khang trang hơn, rộng rãi hơn nhưng vẫn mang đậm tinh thần dân tộc.

Với nỗ lực của bản thân, cùng với sự ủng hộ từ phía chính quyền, sự cổ vũ của già làng và người uy tín trong buôn làng, anh đã biên soạn cuốn từ điển với độ dày 100 trang, trình xin ý kiến chính quyền. Anh hy vọng cuốn từ điển sớm được phát hành, qua đó làm tài liệu giảng dạy cho học sinh là người dân tộc cũng như những người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Chơ Ro. Điểu Toa cũng có nguyện vọng sẽ có nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu dân tộc sẽ quan tâm, vào cuộc để biên soạn tài liệu chính thống giảng dạy, trao truyền văn hóa của đồng bào dân tộc Chơ Ro.

Mở lớp học miễn phí duy trì ngôn ngữ dân tộc

Hằng tuần, cứ đến thứ bảy, chủ nhật Điểu Toa mở lớp dạy học tiếng dân tộc mình cho trẻ em trong buôn làng. Anh dùng phòng khách ngôi nhà nhỏ của mình để kê bàn ghế, chiếc bảng để dạy học cho các em. Lớp có khoảng 20 em, lúc đủ, lúc vắng, nhưng với sự kiên trì của thầy Điểu Toa, lớp học luôn được duy trì và nhận được sự cổ vũ của cộng đồng dân tộc Chơ Ro tại xã Xuân Thiện. Điểu Toa còn dạy các em về cách dùng cồng chiêng trong các dịp lễ. Anh sáng tác những bài hát riêng dựa trên nền nhạc của dân tộc mình để truyền dạy các em, dùng trong các buổi lễ hội, giao lưu. Anh nói: “Còn chữ viết, tiếng nói, dân tộc ấy vẫn còn giá trị văn hóa chảy mãi với thời gian”.

Khát khao bảo tồn tiếng nói Chơ Ro ảnh 1

Anh Điểu Toa dạy tiếng dân tộc cho các em thiếu nhi. Ảnh: QUANG HOÀNG

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thiện Trịnh Đình Tâm nhận xét: “Điểu Toa là một trong những đảng viên trẻ luôn chủ động và tích cực tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Chơ Ro thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là tổ trưởng tổ an ninh 23, ấp Xuân Thiện, Điểu Toa vận động bà con xây dựng các tuyến đường ấp sáng-xanh-sạch đẹp; bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới; tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc, góp phần công việc xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.

Ông Tâm còn cho biết thêm, đội văn nghệ cơ sở đã giành Huy chương bạc tại hội diễn đàn, hát dân ca ba miền diễn ra tại tỉnh Nghệ An do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Với những đóng góp tích cực, hằng năm Điểu Toa đều được cấp ủy, chính quyền đánh giá đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện Thống Nhất; được UBND tỉnh tặng bằng khen; Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai tuyên dương gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.