Khan hiếm và lãng phí đất san lấp ở Thái Nguyên

Nhiều công trình giao thông, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang khan hiếm đất san lấp. Trong khi giá tăng cao, dẫn đến tình trạng khai thác trái phép đất. Nhưng, hàng trăm triệu khối đất, đá có thể làm vật liệu san lấp trên địa bàn lại chưa được sử dụng, đây là sự lãng phí lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang rất khan hiếm.
Đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang rất khan hiếm.

Khan hiếm đất san lấp

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải đang thi công ba dự án sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm: Khu đô thị Thăng Long ở phường Túc Duyên, Khu tái định cư số 5, phường Tân Lập đều thuộc TP Thái Nguyên và Khu tái định cư Đồng Tiến 2, phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên đều sử dụng lượng đất san lấp rất lớn, có dự án cần hàng chục nghìn m3 đất, nhưng do đất san lấp trên địa bàn tỉnh khan hiếm nên giá thành tăng rất cao.

Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải Hoàng Hữu Sơn trần tình: “Khi đấu thầu, giá đất đắp tại công trình là 70 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế hiện nay giá đã lên đến 110 nghìn đồng/m3, cứ 10 phút một ô-tô chở 20m3 đất vào công trình, chúng tôi lỗ 800 nghìn đồng so khi đấu thầu”.

Khan hiếm đất làm vật liệu san lấp dẫn đến giá tăng rất cao, nên nhiều nhà thầu thi công công trình cầm chừng, thậm chí tạm dừng thi công, nhiều công trình trên địa bàn đang bị chậm tiến độ. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đang làm chủ đầu tư nhiều dự án giao thông trên địa bàn, trong đó có 12,4km từ trụ sở Ban Quản lý di tích ATK trở ra, với vốn đầu tư 120 tỷ đồng, thuộc Dự án km 31-ATK Định Hóa. Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban Quản lý cho biết: “Thời gian qua, không những giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao, mà đất san lấp, đá dăm phục vụ Dự án km 31-ATK Định Hóa cũng rất khan hiếm, vận chuyển xa, cho nên có thời điểm giá tăng hằng ngày, dự án có nguy cơ chậm tiến độ”.

Đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km, là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư gần bốn nghìn tỷ đồng, thời gian thi công 30 tháng, dự kiến thiếu khoảng 700 nghìn m3 đất, nhưng đến nay nguồn đất phục vụ chưa đáp ứng, có nguy cơ chậm tiến độ. Hầu hết các công trình giao thông, khu-cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đều thiếu đất san lấp.

Đất san lấp khan hiếm làm giá tăng cao dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra, thậm chí có điểm khai thác trái phép với quy mô rất lớn. Đêm 25/10, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an đã bắt quả tang vụ khai thác đất với quy mô lớn tại xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, TP Phổ Yên, tạm giữ hàng chục đối tượng liên quan và 17 máy xúc, ô-tô chở đất cỡ lớn tại hiện trường, đang vận chuyển đất đi tiêu thụ. Sau vụ việc này, tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn tạm lắng, tình trạng khan hiếm đất san lấp càng căng thẳng.

Lượng đất, đá thải khổng lồ chưa được sử dụng

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, thủ tục, quy trình cấp phép một mỏ đất mất nhiều thời gian, từ quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, thăm dò, đấu giá, giao đất, cho thuê đất đến cấp phép khai thác phải mất ít nhất 18-20 tháng và trữ lượng mỗi mỏ đất chỉ khoảng hai triệu m3. Đối với các mỏ đất, các chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu người dân không đồng ý thì cũng không thể khai thác được. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều bãi thải với trữ lượng đất, đá khổng lồ trong quá trình khai thác khoáng sản lại chưa được sử dụng, đây là nghịch lý lớn.

Điển hình là hai bãi thải của mỏ than Khánh Hòa trên địa bàn TP Thái Nguyên rộng khoảng 200ha, trữ lượng khoảng 98 triệu m3 đất, đá thải đang được chất cao như núi. Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng cho biết: “Để khai thác một tấn than, chúng tôi phải bốc dỡ khoảng 12m3 đất đá, bình quân mỗi năm bốc dỡ 4,5 triệu m3 đất, đá thải (bằng trữ lượng hai mỏ đất) và thời gian tới không còn mặt bằng để đổ thải. Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đến liên hệ mua đất, đá bãi thải làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, nhưng chúng tôi không được phép bán, vì phải quản lý theo quy định về chất thải”.

Trên địa bàn tỉnh, còn nhiều bãi thải đất, đá với trữ lượng lên đến 30-50 triệu m3 và sẽ tiếp tục tăng lên trong quá trình khai thác khoáng sản. Nếu sử dụng đất tại bãi thải làm vật liệu san lấp, đá làm vật liệu xây dựng thì sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm diện tích đất làm bãi thải, tiến tới sử dụng diện tích này vào các mục đích phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, khi đất, đá tại bãi thải được sử dụng, hằng năm doanh nghiệp sẽ không phải chi phí số tiền lớn để vận chuyển đến bãi thải, chống sạt lở, duy trì trạng thái an toàn của bãi thải (chiếm 20% giá thành sản xuất một tấn than) mà còn bán được số tiền rất lớn, ngân sách nhà nước thu được các loại tiền thuế, phí không nhỏ.