Khai trương tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng

5 giờ - 19 giờ mỗi ngày, tần suất 14 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 15 phút/chuyến vào ngày thường, giá vé 70.000 đồng/người, là thông tin về tuyến xe buýt liên tỉnh nối liền Huế - Đà Nẵng vừa được hai địa phương khai trương hôm 1-1-2020.

Khai trương tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng

Trước đây, tuyến xe Huế đi Đà Nẵng là tuyến cố định, xe cũ và có nhiều vấn đề về chất lượng dịch vụ, cũng như công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự vận tải. Vì vậy, sau thời gian chuẩn bị tổ chức khảo sát, lựa chọn phương tiện, lộ trình tuyến… đến nay, tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng đã đủ điều kiện để đưa vào hoạt động. Mục đích của việc khai trương tuyến xe buýt mới nhằm hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình gây rối loạn tình hình trật tự an toàn giao thông tại hai địa bàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, đổi mới chất lượng phương tiện, thay đổi phong cách phục vụ văn minh lịch sự, đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải nhằm góp phần tăng tỷ lệ hành khách tham gia các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Với quãng đường dài 100 km, tuyến xe sẽ khởi hành từ Bến xe phía Nam Huế đến Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng và ngược lại. Thời gian chạy xe tối đa ba giờ/lượt, thời gian dừng đón, trả khách tại các điểm dừng không quá một phút. Xe được sử dụng là dòng xe Hyundai County, 29 chỗ ngồi, có logo nhận diện là Huebus và Danabus. Theo đó, tuyến Huế - Đà Nẵng sẽ có 29 phương tiện/ngày và tuyến Đà Nẵng - Huế có 28 phương tiện/ngày. Đối với hành khách đi theo chặng sẽ được tính giá từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/lượt. Trẻ em dưới sáu tuổi và người khuyết tật nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nhẹ và người cao tuổi được giảm 25% giá vé và miễn cước hành lý xách tay nặng 10 kg và kích thước không quá 30 cm x 40 cm x 60 cm.

Hành trình của tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại có tổng cộng 32 điểm dừng, đón trả khách (16 điểm chiều đi và 16 điểm chiều về). Trong đó, 12 điểm dừng, đón trả khách (6 điểm đi, 6 điểm về) tại thị xã Hương Thủy và 20 điểm dừng, đón trả khách (10 điểm đi, 10 điểm về) tại huyện Phú Lộc. Để bảo đảm an toàn, các xe đều được lắp thiết bị giám sát hành trình đúng tiêu chuẩn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tại lễ khai trương, các doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác hai tuyến xe đều cam kết không ngừng nâng cao chất lượng lịch vụ. Sở Giao thông vận tải của hai tỉnh, thành phố cũng sẽ giám sát kỹ hành trình vận hành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Riêng tại Thừa Thiên Huế, dữ liệu từ camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình sẽ được truyền về Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh và Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải), để giám sát mỗi ngày.

LỘ TRÌNH CỦA TUYẾN XE
Chiều đi: Bến xe phía Nam Huế (đầu A) - An Dương Vương - Nguyễn Tất Thành - QL1A - Hầm Hải Vân - Đường tránh Nam Hải Vân - Tạ Quang Bửu - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (đầu B).
Chiều về: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (đầu B) - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu - Đường tránh Nam Hải Vân - Hầm Hải Vân - QL1A - Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương - Bến xe phía Nam Huế (đầu A).