Khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Kết thúc quý I/2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt mức 3,32%. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trên thị trường và cần phải tận dụng thị trường nội địa cùng lợi thế của các FTA trước khi tình hình kinh tế toàn cầu ổn định trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh số bán lẻ hàng hóa đang trong xu hướng tăng. Ảnh: HẢI ANH
Doanh số bán lẻ hàng hóa đang trong xu hướng tăng. Ảnh: HẢI ANH

Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 64,1 tỷ USD) trong quý I/2023. So quý I/2019, trước đại dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ hàng hóa ba tháng đầu năm nay tăng 26,7%. Con số này tăng 10,3% nếu loại trừ yếu tố giá. Trong khi đó, doanh thu bán hàng trong cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2%. Các tỉnh, thành phố có doanh số bán lẻ quý I tăng là Đà Nẵng 17,6%, Hải Phòng 14%, Quảng Ninh 12,5%, Hà Nội 12%, Bình Dương 11%, Long An và TP Hồ Chí Minh là 9%.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng, đạt được mục tiêu hơn 6% trong năm nay, việc tận dụng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và thực hiện các biện pháp thúc đẩy thương mại là rất quan trọng để tăng xuất khẩu. Trong tháng 3, xuất khẩu đã tăng, đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 2. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 14,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 17,4% so với doanh nghiệp nước ngoài giảm 10%.

Bộ Công thương dự báo tình trạng này sẽ tiếp diễn do nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chững lại, nhất là tại các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Trong ba tháng qua, xuất khẩu của các ngành công nghiệp đã giảm 13,1%, tương đương 67,5 tỷ USD. Mỹ vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị là 20,57 tỷ USD. Trong quý I, Việt Nam đã nhập khẩu 75,1 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù thặng dư thương mại của quốc gia trong tháng 3 ở mức 650 triệu USD, dẫn đến thặng dư thương mại trong quý đầu tiên là 4,07 tỷ USD, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước là 1,87 tỷ USD.

Trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương. Điều này do đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến nhiều áp lực cho các nước có mặt hàng xuất khẩu tương tự, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận vốn, đối mặt với lãi suất ngân hàng và chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Khả năng hấp thụ vốn bắt đầu giảm do thiếu đơn hàng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn quý IV/2022. Đối với

quý II năm nay, có 44,1% ý kiến cho rằng xu hướng sẽ tốt hơn quý I, trong khi 35,3% cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 20,6% dự báo khó khăn hơn. Cả nước có hơn 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2023, giảm 10% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong quý là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1% theo năm và 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% theo năm.

Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Thu nhập trung bình hằng tháng của người lao động tại Việt Nam trong quý I tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Số người có việc làm trong quý tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm. Trong giai đoạn này, thu nhập trung bình của một người lao động là 7 triệu đồng (296,6 USD), tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái với thu nhập trung bình ở thành thị là 8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng ở nông thôn.

Lực lượng lao động cả nước đã tăng lên 52,2 triệu lao động trong quý I, tăng hơn một triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý là 1 triệu người, giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt 2,25%, giảm 0,21 điểm phần trăm theo năm.

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán sẽ tăng trưởng 6,6% cho cả năm 2023. Sự tăng trưởng này là nhờ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, trong đó có dệt may và da giày và từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19. Báo cáo của OECD chỉ ra rằng với tốc độ này, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đứng đầu trong số 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Báo cáo của OECD cũng cho biết, lực cầu yếu hơn dự kiến sẽ làm giảm đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và khuyến nghị cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng lạm phát.

Hiện tại, Bộ Công thương đã có nhiều biện pháp khai thác hiệu quả thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người để đạt mục tiêu doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8-9%. Bộ đã tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Bộ dự kiến đẩy nhanh việc sửa đổi, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước. Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình liên quan, trong đó có Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Bộ Công thương cũng sẽ lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước với các chương trình kích cầu tiêu dùng, trong đó ưu tiên phát triển các nền tảng thương mại và kỹ thuật số hiện đại. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử sẽ được khuyến khích với trọng tâm là sử dụng công nghệ kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong các hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, cũng như xây dựng các phương thức bán lẻ mới để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.