Kêu gọi ngừng xung đột
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Bộ trưởng Antony Blinken đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki về việc Mỹ và AU hợp tác thúc đẩy các nỗ lực giúp chấm dứt các hành động thù địch và giao tranh tại Sudan. Bộ trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Moussa Faki cho rằng, AU đóng vai trò quan trọng trong việc tác động để quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) chấm dứt mọi hoạt động quân sự cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo.
Lệnh ngừng bắn giữa quân đội Sudan và RSF bị phá vỡ ở khu vực ngoại ô Thủ đô Khartoum, nhưng quân đội Sudan bày tỏ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận. Theo tuyên bố của quân đội Sudan, Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã thông qua đề xuất của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) về việc kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ và cử phái đoàn quân sự tới Nam Sudan để đàm phán. Tuyên bố cũng cho biết, các Tổng thống của Nam Sudan, Kenya và Djibouti đã thảo luận về đề xuất, trong đó có việc gia hạn lệnh ngừng bắn và đàm phán giữa hai phe phái.
Trước đó, quân đội Sudan và RSF nhất trí ngừng bắn trong ba ngày, đến đêm 26/4. Tuy nhiên, giao tranh nổ ra ngày 26/4, trong đó Omdurman là một trong những địa điểm xảy ra giao tranh dữ dội nhất.
Các nước sơ tán công dân
Các nước tiếp tục đẩy nhanh việc sơ tán công dân khỏi Sudan. Theo Tổng cục Quản lý cảng cạn và đất liền Ai Cập, hơn 10.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau đã sơ tán khỏi Sudan thông qua hai cửa khẩu biên giới trên đất liền Qastal và Arqeen để vào Ai Cập trong năm ngày qua. Một tàu chở gần 1.700 người sơ tán từ Sudan đã cập cảng ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia, trong bối cảnh Chính phủ Saudi Arabia tiếp tục thúc đẩy nỗ lực đưa công dân nước này, cũng như của các quốc gia khác rời khỏi Sudan. Kể từ khi bắt đầu hoạt động sơ tán đến ngày 26/4, Saudi Arabia đã đưa tổng cộng 2.148 người rời khỏi Sudan.
LHQ và các đối tác đang cố gắng hỗ trợ người dân Sudan. Phó phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Farhan Haq cho biết, các cơ quan LHQ và đối tác tại Sudan cố gắng hỗ trợ những người gặp khó khăn trong nước, trong khi các tổ chức quốc tế chuẩn bị cho dòng người tị nạn đổ sang các nước khác trong khu vực. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 270.000 người có thể chạy sang Nam Sudan và Chad. Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết, 74 công dân Philippines mắc kẹt trong khu vực giao tranh tại Sudan đã sang Ai Cập an toàn. Người phát ngôn DFA, bà Teresita Daza cho biết, dự kiến sẽ có thêm nhiều xe bus chở người Philippines sơ tán khỏi Sudan. Theo DFA, hiện có ít nhất 740 công dân Philippines đang sinh sống tại Sudan, trong đó phần lớn là các chuyên gia.
Thủ tướng Campuchia, Samdech Techo Hun Sen thông báo, nhờ sự hỗ trợ của Malaysia, sáu công dân Campuchia đang học tập tại Thủ đô Khartoum của Sudan đã được sơ tán an toàn tới Saudi Arabia bằng đường biển. Nhà lãnh đạo Campuchia gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các quốc gia trên. Hãng thông tấn Tunis Afrique Presse (TAP) dẫn lời Đại sứ Tunisia tại Sudan, Chafik Al Hajji cho biết, máy bay quân sự của nước này chở đợt đầu tiên các công dân Tunisia sơ tán khỏi Khartoum đã về nước an toàn tối 26/4. Đợt sơ tán này gồm 46 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Đại sứ Al Hajji cho biết thêm hiện vẫn còn khoảng 150 công dân Tunisia tại Sudan.
Bộ Ngoại giao Cyprus cho biết, nước này đã tiếp nhận hàng trăm người nước ngoài sơ tán từ Sudan. Trước đó, Cyprus khởi động kế hoạch tiếp nhận các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Sudan, một phần trong hành động của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hồi hương hàng nghìn công dân khối này và nước thứ ba bị mắc kẹt do giao tranh ở Sudan.