Hàng Việt khó cạnh tranh, lợi nhuận bị ăn mòn
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị. Thực tế, báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2022 cho thấy, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị và sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, kiêm Phó chủ tịch Vinafruit thừa nhận, hiện nay, nông sản của thị trường nước khác có thể không hơn về chất lượng với hàng hóa Việt Nam, nhưng họ hơn về giá thành. “Chỉ riêng chi phí logistics, thì giá thành sản phẩm Việt đã cao hơn các thị trường khác mười mấy %, như vậy thì chúng ta khó có thể cạnh tranh”, theo ông Tùng.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, hạ tầng cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tình trạng hao hụt ở mức cao. Cụ thể, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch lên đến 30-35%. Đây là mức rất cao. Khắc phục vấn đề này cần đồng bộ ở khâu logistics.
Là doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm, theo ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch JCI Việt Nam, hạ tầng logistics của Việt Nam phát triển chưa tương xứng tốc độ phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu, tình trạng ùn ứ nông sản tại một số cửa khẩu đã minh chứng cho vấn đề này. Ông cho rằng, tỷ lệ tới 25% giá trị hàng hóa xuất khẩu, chi phí logistics đang ăn hết lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nêu thực tế giá cước vận tải hàng nông sản từ Bangkok đến thị trường quốc tế thấp hơn so từ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh ít nhất từ 1-2 USD/kg, bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU cho rằng, nguyên nhân gây ra sự chênh lệch này là do cơ sở hạ tầng trong nước chưa được bảo đảm. Hiện nay, hệ thống kho bãi tại Việt Nam còn manh mún, cơ sở chế biến nông sản, chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ còn thiếu. Riêng xuất khẩu trái cây phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, kết nối khiến thời gian chuẩn bị và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, như vào mùa vải, để xuất khẩu đi Mỹ thì phải chiếu xạ. Nhưng miền bắc lại chưa có trung tâm chiếu xạ, doanh nghiệp phải vận chuyển vào miền nam để thực hiện công đoạn này rồi mới tiến hành các thủ tục khác để xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh: NAM ANH |
Giải pháp nào?
Với những khó khăn hiện nay, theo bà Uyên, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, HTX có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất. Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Mặt khác, kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt, phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.
Nói về kế hoạch phát triển ngành logistics trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã khẳng định lại mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6% (Quyết định 200 là 8-10%); tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quyết định cũng đề ra sáu nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể, trong đó có nhiệm vụ số 34 chỉ rõ việc phải “Tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, hệ thống logistics với một số yếu tố về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, yêu cầu cấp thiết cần đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO-HACCP-BRC-Global GAP nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu quan trọng trên thế giới chính là động lực có ý nghĩa thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ thống logistics với lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhằm nâng cao hiệu quả đối với khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, qua đó góp phần quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường khu vực và quốc tế hướng tới nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản xuất khẩu gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics, theo ông Hải, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp logistics, đặc biệt các hội viên của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) với VLA, trong việc xây dựng và phát triển hiệu quả một hệ thống logistics hướng tới phục vụ ngành hàng nông sản. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác cũng như thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản.