Kẻ tha hương

Khách bước xuống đò, đứng ngơ ngẩn, hỏi chứ “ngả trái ngả phải, ngả nào về Phú Giang, ngả nào về Điên Điển”. Con Bảy chèo đò cười giòn rụm, biểu “quẹo trái Điên Điển, quẹo phải Phú Giang. Ủa chứ ông về ngả nào mà hỏi tui tùm lum hết vậy?”. Khách cười: “Về cả hai. Ở đây sông rạch nhiều quá, bỏ tui một mình chắc mùa mít năm sau tui mới về phố được quá!”. Đò cập bến, con Bảy đứng trước mũi đò phe phẩy cái nón quạt mồ hôi, nói vọng theo: “Coi chừng lạc đó nghen anh hai”.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Con đường đất nằm giữa đám mía lao phơ phất. Những ngọn mía cao vút, oằn mình nghiêng ngả theo chiều gió thổi tắp từ ngã ba sông cái trở vào xua tan cái nóng ran rát thịt da. Khách đứng châng hẩng, bấm máy ghi hình. Một con bé đầu trần tóc tết gọn sau gáy đang ngồi tước mía trong bụi rậm. Dường như cô bé chẳng để ý đến người lạ đang ở trước mặt, cứ vô tư với cái thứ nước ngọt thanh như đường rồi nhả xác trắng dã trên mặt đất. Khách nhìn con bé, phì cười:

- Trưa nắng sao không về nhà mà ngồi đây một mình vậy con?

Mắt đứa nhỏ láo liên, chìa cho khách khúc mía cười cười rồi chạy đi. Cái bóng nhỏ đổ dần giữa trời trưa mênh mông, dài thăm thẳm…

Chuyến tác nghiệp hôm ấy khách đã tỉ mẩn ghi lại những bức ảnh chân thật về cuộc sống nơi đây, những khoảnh khắc lam lũ của người dân tay lấm chân bùn. Quanh năm trên ruộng mía, giọt mồ hôi thấm đất mà nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn khắc khoải trong lòng. Lòng khách xốn xang một miền nhớ thương mầu xanh miên viễn. Ngày xưa khách cũng là người quê, bon chen lên phố mấy năm, tốt nghiệp xong xin vào làm cho một tờ báo nổi tiếng, cơ quan nhà nước hẳn hoi, lương bổng hậu hĩnh. Đời khách đi như cơm bữa, nay miền này, mai đất khác, đôi chân khách có bao giờ được yên. Mấy lần về thăm nhà, mẹ ngó khách mà thở dài, biểu: “Mày đi riết, quên cả quê hương”. Khách cười mà nhói lòng. Bây giờ, một mình đứng trên bờ đê trong một chiều bời bời gió, khách bỗng thấy sống mũi cay cay.

Đang loay hoay bỗng nghe tiếng ai kêu thảng thốt ngoài bờ mương:

- Trời ơi, có ai không cứu con tui với…

Không chần chừ khách cởi máy ảnh quăng lên đám cỏ lau rồi phóng nhanh xuống mương, ở đó có con bé đang ngộp trong dòng nước. Khách lao xuống…

Con bé vớ được bờ đất, mặt mày tái xanh. Người phụ nữ gầy còm, run run ôm choàng con bé vào lòng dỗ dành. Khách mệt lả người, dò dẫm trong đám cỏ tìm chiếc máy ảnh. Khi con bé đã hoàn hồn, người phụ nữ quay sang nói lời cảm ơn rối rít. Con bé nhìn khách gật đầu lia lịa rồi ú ớ một điều gì đó. Khách chưng hửng.

- Cô bé này là con của chị sao?

- Ừ, nó con tui - Người đàn bà vừa nói, vừa vuốt nước trên mặt đứa nhỏ - À mà không, con của em tui chứ!

Thấy khách nhíu mày không hiểu, người đàn bà ngỏ ý:

- Thôi, trời cũng sắp tối rồi! Cậu về nhà tui ăn cơm rồi nghỉ chân một đêm, sáng mai hẳn lên đường.

Quần quật từ sáng tới giờ bụng khách cũng cồn cào, khách gật đầu đồng ý. Đường về nhà bóng tối liêu xiêu.

Mười chín tuổi, Huyền nằng nặc xin chị cho lên thành phố “đổi đời”. Chị châng hẩng, biểu:

- Nào giờ mày có ló mặt lên thành phố, có biết thành phố là cái gì đâu mà bon chen. Thôi em, nơi đó không có chỗ cho người quê như mình, lên trển lỡ có chuyện gì chị sống sao nổi?

Huyền giận dỗi bỏ vào trong bếp lục cơm nguội. Ngoài bờ đê vọng lại tiếng ếch nhái oải oạp kêu chiều, buồn thê thiết. Chị lom khom thắp ngọn đèn dầu, ngồi bới lại mớ tóc sau gáy, thoáng lo ngại. Từ hồi má mất đến giờ, hai chị em quen sống cảnh ruộng đồng. Chị bảo:

- Có ở đâu bằng quê hương mình? Ở đây, ăn rau thì ra vườn mà hái, ăn cá thì xuống mương mà câu, đâu như ở phố cái gì cũng phải mua. Chân ướt chân ráo lên đó, phiêu bạt quê người, khổ lắm!

Nghe chị nói, Huyền gắt gỏng:

- Tui chán cảnh đói nghèo lắm rồi! Ở đây mãi có nước chết mất.

Huyền lúi húi vào trong buồng thu dọn đồ đạc, chị ngăn không được, khóc hết nước mắt. Sáng hôm sau, Huyền xách giỏ xuống đò, chị bất lực dúi vào tay em xấp tiền ít ỏi chị dành dụm gần nửa đời người, dặn Huyền:

- Lên trên đó sống cho tốt, lo làm kiếm tiền nuôi thân. Chị có mỗi mình mày, mày mà hư chị chết không nhắm mắt…

Chiếc đò dọc lặng lẽ xuôi dòng, chị đứng trên bến nhìn theo cho đến khi chiếc đò lẩn khuất vào màn khói sương bảng lảng mơ hồ, khóe mắt chị ươn ướt. Huyền đi, chị lủi thủi về nhà sống tiếp cuộc đời đồng áng.

Bẵng đi một thời gian Huyền không quay lại Phú Giang lần nào. Chị đợi ngày đợi đêm, mấy mùa lúa chín, bao lần bìm bịp thắt thẻo kêu chiều báo mùa nước lớn mà Huyền vẫn mù khơi.

Mùa đến sớm, lúa đã chất vào bồ, số còn lại chị gọi thương lái đến cân. Tằn tiện được chút đỉnh chị định bụng chuyến này Huyền về nhất định chị sẽ đưa cho Huyền, kêu Huyền ở lại nhà với chị, rồi còn tính đến chuyện dựng vợ gả chồng cho yên bề gia thất, để tía má vui lòng. Nghĩ đến đó, lòng chị lâng lâng, hạnh phúc ngập dần trong đôi mắt người chị dành cả phần xuân sắc của mình cho đứa em tội nghiệp.

… Chiều giáp Tết, chị ngồi ngoài sân bóc vỏ dừa khô làm mứt, Huyền trở về, Huyền đứng chần ngần trước mặt chị, đứa em gái bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng hình hài của những giấc mơ mỗi đêm bàng hoàng trong tiềm thức chị. Chị ngước lên, sững sờ. Nhưng nụ cười trên môi chị bỗng tắt lịm khi thấy bụng Huyền căng tròn, vẻ mặt khắc khổ và mái tóc vốn dài chấm lưng bây giờ chỉ còn lưa thưa ngang bờ vai gầy guộc. Chị hiểu chuyện, khóc ròng, bỏ cây dao phay xuống đất chạy đến ôm lấy Huyền. Huyền cũng nức nở theo. Chiều cuối năm sao u buồn đến thế, không một gợn gió, không một tiếng trẻ con ồn ã đốt pháo đợi giao thừa, chỉ có tiếng khắc khoải vọng lên từ trong sâu thẳm tâm hồn và những giọt nước mắt tràn mi rơi lộp bộp trên vai áo bạc mầu của chị.

Đêm hôm ấy, cúng giao thừa xong xuôi, Huyền nằm ôm chị như hồi lúc Huyền còn nhỏ, kể cho chị nghe những lầm lạc mà Huyền trải qua trong đoạn đầu cuộc đời, từ lúc Huyền xin được một chân công nhân ở công ty giày dép cho đến khi Huyền bị lừa vào phục vụ khách trong một quán cà-phê đèn mờ nằm im lìm giữa lòng thành phố. Mỗi ngày, người ta tô vẽ lên mặt Huyền hàng tá mỹ phẩm. Rồi Huyền nhận lại được gì? Ngoài những tát tay trút bực đầy thô bạo của khách mỗi lúc Huyền làm khách phật ý, là những cuộc ân ái nhơ nhuốc đời con gái… và một sự sống lạc loài đang lớn dần trong bụng Huyền. Người làng nhìn Huyền ái ngại, trách ít thương nhiều, tình thương của làng có bao giờ vơi cạn?

Chị di di bàn tay trên bụng Huyền, trìu mến:

- Thôi em, chuyện lỡ rồi! Con mình thì mình nuôi, mình thương, không cha nhưng cũng là máu mủ ruột rà. Tội đứa nhỏ, có biết gì đâu?

- Rồi sao nữa hả chị? - Khách sốt sắng.

- Thì con Huyền sinh nó ra chứ sao? - Chị trỏ tay vào con bé đang lúp xúp bên cạnh trông như cây nấm - Mà đời trớ trêu lắm cậu ơi, ông trời thương ai thì thương trót lọt, ghét ai thì ghét đến tận cùng một kiếp người. Em tui sinh đứa nhỏ xong, tưởng đâu mẹ tròn con vuông, ai ngờ mấy hôm sau con Huyền bị băng huyết rồi qua đời. Phải chi ở đây có trạm xá, có bác sĩ cao tay, chắc em tui không mất mạng…

Khách cảm nhận có chút gì xót xa, nghẹn đắng trong lời chị nói. Tự dưng khách thấy lòng mình trống hoang, lạnh đến lạ lùng. Chị huơ tay đuổi mấy con bọ mắt trên đường đi, rồi trỏ tay về phía cuối bãi mía, chỗ đó có ngôi mộ trăng trắng nằm lẻ loi, cô quạnh trong sương chiều.

- Đó, cậu thấy không, mộ em tui đó. Tội nghiệp, hôm nào con Trang cũng ra ngồi ú ớ với ngôi mộ đá, chắc nó không muốn má nó tủi thân…

Giờ thì khách đã hiểu. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta - ai rồi cũng phải trả giá cho những lỗi lầm thời tóc xanh, dẫu cho sự trả giá ấy là đau đớn.

Chị biểu khách ngồi chơi với con bé trên vạc, còn chị lúi húi thổi lửa, nấu cơm. Mùi khói rơm bốc lên sao nghe ấm lòng quá, tha thiết quá, ngó gạo thơm sôi ùng ục trong nồi và cái tấm lưng cong cong hình dấu hỏi của chị, lặng lẽ đẩy từng mẩu củi khô vào trong bếp, bỗng dưng khách nhớ quê hương, nhớ mẹ già, nhớ căn nhà nằm nghe thời gian xuôi chảy. Mẹ già tóc bạc lưng còng từng chiều liêu xiêu dưới giàn mướp hương năm cũ đợi khách trở về.

Ngày mai nhất định khách sẽ nhờ bé con dẫn đi đến thăm mộ Huyền, thắp cho Huyền nén nhang ấm cúng rồi từ biệt chị ra đi. Cất chiếc máy ảnh vào ngăn tủ trong căn hộ nằm ở tầng 17, giữa phố, bắt đầu cho một chuyến đi dài…

Để được về nhà!