Kế hoạch đàm phán hòa bình Sudan

LHQ thông báo, cuộc hòa đàm của Sudan sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) và các bên đã xác nhận tham gia. Thông tin tích cực được đưa ra trong bối cảnh xung đột tại Sudan đến nay đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Sudan đối mặt cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất thế giới, trong khi nạn đói và thiên tai hoành hành.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột ở Sudan khiến hàng trăm nghìn người phải tị nạn. Ảnh: REUTERS
Xung đột ở Sudan khiến hàng trăm nghìn người phải tị nạn. Ảnh: REUTERS

Tìm cơ hội hòa bình

Theo thông báo ngày 30/7 từ Giám đốc Cơ quan thông tin của LHQ tại Geneva, Alessandra Vellucci, cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến ở Sudan sẽ diễn ra vào giữa tháng 8 tới. LHQ không chủ trì hòa đàm, mà chỉ cử đại diện tham dự. Chính phủ Thụy Sĩ là bên tổ chức, hỗ trợ các điều kiện cho đàm phán.

Cùng ngày, Chính phủ Sudan cho biết, nước này chấp thuận “lời mời kèm điều kiện” về việc tham gia các cuộc đàm phán do Mỹ bảo trợ được tổ chức tại Geneva. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan nêu rõ, Sudan đã yêu cầu tổ chức cuộc họp với các quan chức Mỹ để chuẩn bị nội dung cuộc hòa đàm sắp tới.

Trước đó, hôm 23/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đã mời hai lực lượng tại Sudan, gồm quân đội chính quy là Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), tham gia đàm phán ngừng bắn, do Mỹ làm trung gian. Đàm phán dự kiến khởi động tại Thụy Sĩ, từ ngày 14/8 tới.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Saudi Arabia sẽ cùng Mỹ đồng chủ trì cuộc đàm phán hòa bình Sudan. Liên minh châu Phi (AU), LHQ cùng các nước Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham gia với tư cách các bên quan sát.

RSF cũng xác nhận sẽ tham gia hòa đàm do Mỹ bảo trợ. Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Daglo tuyên bố “hoan nghênh lời mời” của Mỹ và cho biết, lực lượng này sẽ tham gia các cuộc đàm phán tại Geneva.

Khủng hoảng nghiêm trọng

Xung đột nổ ra ở Sudan vào tháng 4/2023, giữa lực lượng quân đội chính quy SAF dưới quyền Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan với nhóm RSF do Tướng Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Đến nay, xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người, buộc hơn 10 triệu người di tản, cả ở trong nước và nước ngoài, trong đó 2,1 triệu người phải tìm nơi tị nạn ở các nước láng giềng. LHQ đánh giá đây là cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, người dân Sudan phải vật lộn chống chọi nạn đói. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), gần 26 triệu người ở Sudan đang thiếu ăn. Phát biểu ý kiến với phóng viên ngày 30/7, Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết, OCHA “vô cùng lo ngại” về tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở Sudan. Con số 26 triệu người thiếu lương thực gồm 750 nghìn người “chỉ cách bờ vực nạn đói một bước chân”.

LHQ cảnh báo, tình hình nhân đạo ở Sudan ngày càng tồi tệ, khi giá lương thực tăng cao và xung đột khiến tình trạng hạn chế tiếp cận lương thực và viện trợ nhân đạo càng thêm nghiêm trọng. Nỗi thống khổ của người dân càng tồi tệ hơn khi mùa mưa đến.

Giữa lúc kiệt quệ vì xung đột và thiếu đói, người dân Sudan lại đối mặt khó khăn mới, khi lũ lụt hoành hành những ngày qua. Báo cáo mới nhất của các cơ quan nhân đạo LHQ cho thấy, hàng nghìn người Sudan, chủ yếu là những người phải di dời do xung đột, đang chịu ảnh hưởng nặng nề thiên tai, nhất là ở tỉnh Kassala ở miền đông. Lũ lụt tràn về gây thêm đau khổ cho các cộng đồng vốn bị tổn thương trong xung đột.

Các cơ quan LHQ và đối tác đang khẩn trương đánh giá tình hình và chuẩn bị hỗ trợ cần thiết cho hoạt động ứng phó thiên tai, di dời, cứu trợ lương thực. LHQ tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng viện trợ nhân đạo cho người dân Sudan, quốc gia bị xung đột tàn phá.