Hy vọng từ “Lớp học Cầu Vồng”

“Chúng tôi muốn việc dạy học sẽ đem đến một cần câu, để những trẻ em kém may mắn có thêm cơ hội thay đổi tương lai của bản thân mình”, chị Trần Quý Thu Hà chia sẻ về dự án dạy học miễn phí của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Việc truyền dạy kiến thức còn là trải nghiệm quý với các tình nguyện viên.
Việc truyền dạy kiến thức còn là trải nghiệm quý với các tình nguyện viên.

1/Từng là du học sinh Mỹ và đã phải trải qua nhiều khó khăn nơi đất khách quê người, chị Thu Hà bằng tấm lòng nhân ái và nhận thức được tầm quan trọng của những con chữ, năm 2016 chị đã thành lập ra nhóm Lớp học Cầu vồng, mong đưa con chữ tới những hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước. Sau 7 năm hoạt động, Lớp học Cầu vồng hiện đang là thành viên của mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền bắc (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Cuối bãi đất ven sông Hồng có xóm Phao (phường Phúc Xá, quận Long Biên, Hà Nội), mặc dù ở trung tâm Thủ đô, song nơi những người dân sống không có điện, không có nước sạch, không có hộ khẩu. Sự nghèo khó về vật chất chính là rào cản lớn nhất mà trẻ em ở đây không thể vượt qua để đến với tri thức. Hầu hết các em chỉ học hết cấp cơ sở, THPT mà tạm biệt đại học rồi lao vào đời kiếm cơm. Vòng xoáy ấy cứ lặp đi lặp lại qua các thế hệ, các gia đình, không biết khi nào mới chấm dứt tại xóm nghèo này. Hiểu được điều đó, Lớp học Cầu Vồng không chỉ đem kiến thức mà còn đem đến những trải nghiệm, văn hóa, kỹ năng mà các em có thể áp dụng trong cuộc sống.

Ghé qua lớp học Phúc Xá, nơi đây là căn phòng nhỏ khoảng 20m2, kê được chục bộ bàn ghế cho cả “thầy cô” và trò quây quần cùng nhau. Học sinh một lớp không cùng một độ tuổi, người lớn, người nhỏ. Song, họ đều có chung một hoàn cảnh khó khăn và tinh thần cầu tiến, ham học tập. “Giúp đỡ và yêu thương là tia hy vọng giúp con người ta vươn lên, tôi rất trân quý điều đó nên tôi muốn hành động. Tất cả mọi người thực hiện dự án, từ người sáng lập đến trợ lý và các bạn tình nguyện viên đều làm việc cực kỳ nghiêm túc, nỗ lực và trách nhiệm. Nguyên tắc để dự án có thể đạt được nhiều dấu mốc đó là công khai, minh bạch và rõ ràng”, Thu Hà chia sẻ.

Không kể ngày mưa hay ngày nắng, chiều chủ nhật hằng tuần, xóm trọ lại rộn ràng vì tiếng ríu rít trong lớp học. Tất cả các “thầy cô” ở đây đều là những tình nguyện viên, không được học chuyên ngành sư phạm nhưng họ đều chung một tấm lòng nhiệt thành và mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp - một việc làm không khó nhưng chắc chắn không hề dễ vì không phải người trẻ nào cũng có tâm huyết để làm được điều đó.

Là lớp trưởng của lớp học Phúc Xá, bạn Mạc Hạnh (26 tuổi) chia sẻ: “Phần lớn tình nguyện viên dạy tại lớp Phúc Xá đều là các bạn sinh viên ở các trường đại học khác nhau thuộc nhiều ngành nghề. Có bạn là sinh viên sư phạm thì sẽ có lợi thế trong phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, đa số các bạn tình nguyện viên không phải chuyên sư phạm nhưng rất kiên trì. Với tất cả các em học sinh, các bạn đều nhẫn nại trong việc truyền tải cảm hứng thích học và óc tò mò, tự tìm tòi sáng tạo cho các em”.

2/Gần 7 năm trên hành trình đem con chữ đến hàng trăm em nhỏ thiệt thòi, không dài nhưng cũng không hề ngắn để nói về sự nỗ lực của những con người thực hiện. Thiện nguyện không chỉ là cho đi mà còn là cách mà bản thân mình học hỏi được rất nhiều điều. Quyết định tham gia và gắn bó với lớp học Phúc Xá, mỗi tình nguyện viên đều đem theo hành trang là ngọn lửa của tuổi trẻ, nhiệt huyết muốn cho đi và không yêu cầu nhận lại. “Chúng tớ đến đây để lan tỏa, để truyền lửa, truyền tri thức cho các em học sinh chứ đâu phải mong nhận lại được khoản hỗ trợ nào đó thì mới phụng sự đâu”, bạn Hạnh chia sẻ thêm.

Lớp học tại Phúc Xá là 1/18 lớp học trong dự án từ thiện “Lớp học Cầu Vồng”. Bên cạnh còn có những dự án khác như: “Lớp học Hàn gắn” kết hợp với dự án “Cắt đứt vòng xoáy - Giáo dục cho trẻ em là con đường thoát nghèo hiệu quả của các gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19” tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác; “Lớp học Bright Future” là lớp học được mở ra để giúp đỡ các em là con của những người khiếm thị; lớp tiếng Anh dành cho người khuyết tật trong dự án “Lớp học Chấn thương cột sống Việt Nam” hay “Lớp giúp đỡ trẻ em dân tộc khó khăn tại Si Ma Cai (Lào Cai)”... Và còn rất nhiều các lớp học online cho học sinh nghèo, học sinh là con, em người khuyết tật trên cả nước được tham gia miễn phí.

Với sứ mệnh góp phần nhỏ bé thắp sáng những mảnh đời khó khăn, lớp học là đường hai chiều của những tình nguyện viên đem tri thức đi muôn nơi, san sẻ đến những em nhỏ kém may mắn để nhận lại những trải nghiệm sống đáng quý, những cơ hội được làm đẹp cho cuộc đời.

Không chỉ dạy học, dự án “Lớp học Cầu Vồng” còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm quyên góp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2022, dự án đã quyên góp được hơn 730 triệu đồng, để tặng quà cho 2.900 bạn. Nguồn kinh phí hoạt động của dự án phần lớn là lợi nhuận thu được từ các hoạt động gây quỹ như bán bánh, thiết bị điện tử, khăn... và kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm.