Hương vị Mộc Châu tại Pháp

Năm 2003, mận hậu được mùa, khắp Mộc Châu và các chợ đầu mối tràn ngập mận, giao thông thì chưa được cải thiện, đi lại khó khăn, chỉ cần đến chợ chậm vài tiếng là ế cả xe mận.

Làm thế nào để chủ động tiêu thụ sản phẩm mà không phụ thuộc vào việc vận chuyển? Ý tưởng làm rượu từ quả mận ủ trong thùng gỗ sồi nảy sinh trong những tháng ngày đó.

Anh Mai Đức Thịnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ phát triển Nông nghiệp 19/5 (19/5 Agr co-op) Mộc Châu bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một kỷ niệm như thế. Năm ấy mận rẻ như cho, bán 20 kg mận mới đủ tiền mua 1 kg gạo, quả trồng ra không bán được, đổ đi còn bị phạt. Đến mùa mận, cứ thẳng Quốc lộ 6 hướng Tây Bắc, không cần nhìn mà chỉ cần ngửi thấy mùi chua chua kiểu mật ong của hoa quả đang bị phân hủy thì chắc chắn đã đến Mộc Châu. Người dân ngao ngán không thèm hái để rụng đỏ gốc, một số chủ vườn đành chặt bỏ để trồng ngô, sắn. Thảm kịch đó của cây mận đã thôi thúc anh Thịnh phải tìm ra một lối thoát. Phải chế biến mận thành một loại sản phẩm, không phụ thuộc quá nhiều vào thời vụ và hướng bảo quản tự nhiên. Vì tiếc quả ngọt, anh Thịnh mang những quả mận chín đi ngâm thành siro, để lâu hơn thành rượu, anh mang mời bạn bè uống, ai cũng khen ngon. Vậy là anh quyết tâm sản xuất rượu từ quả mận.

Mẻ rượu đầu tiên trưng cất thành công, càng thôi thúc anh Thịnh thực hiện ước mơ của mình. Thiếu vốn, thiếu trang thiết bị và quan trọng nhất là thiếu kỹ thuật chế biến. Anh Thịnh đi gõ cửa khắp các nơi để xin vay vốn, tìm thông tin để mua trang thiết bị và tìm những chuyên gia về ngành này để học hỏi. May mắn thay năm 2004 dự án của anh được tổ chức ASODIA - một tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Pháp - quan tâm và đồng ý hỗ trợ. Anh mua lại số máy móc cũ sản xuất từ năm 1947 trị giá 37 nghìn Euro và xin được trả góp trong 5 năm. Khí hậu của Mộc Châu đã cho những quả mận ngọt nhưng muốn rượu có vị êm và mượt thì phải ủ chúng trong những thùng gỗ sồi nhập từ Pháp trong 5 năm mới ra được sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Anh Thịnh lại được ông Jacqueslanies, một chuyên gia kỹ thuật của tổ chức này đến tận nơi hướng dẫn quy trình chế biến từ quả mận thành rượu dòng Brandy theo công nghệ truyền thống của Pháp.

Vậy là từ nay đến mùa hái quả, người trồng cây không còn lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm bởi phải cần từ 18 đến 20 kg mận mới ủ được một lít rượu. Về giá thành mận thô bán với giá 1 nghìn đồng/kg nhưng một lít rượu thu về 300 nghìn đồng. Vào vụ, xưởng rượu của anh Thịnh sử dụng hàng trăm nhân công vào các công đoạn sản xuất và phân phối sản phẩm. Không chỉ có thế, mận Mộc Châu đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, là loại đồ uống được ưa thích tại Pháp và các nước châu Âu bởi hương vị độc đáo và tình cảm, tình yêu quê hương, yêu những sản vật địa phương được gửi gắm vào từng chai rượu.

Năm 2007, anh Thịnh sang Pháp mang theo chai rượu làm từ quả mận Mộc Châu đặt tại quầy trưng bày và giới thiệu sản phẩm của tầng hai tháp Eiffel như một lời tri ân đối với sự giúp đỡ của những người bạn Pháp và cũng là sự khẳng định, niềm tự hào của anh, người đã đóng góp vào sự phát triển của vùng đất miền Tây Tổ quốc.