Hướng tới môi trường xanh và bền vững

Nhiều quốc gia trên thế giới đang thực thi các biện pháp và nỗ lực hướng tới môi trường xanh và bền vững, trong đó áp đặt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với hoạt động khai thác mỏ, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng sạch.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty khai thác mỏ hiện chưa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững với môi trường. Ảnh: THINK STOCK PHOTOS
Nhiều công ty khai thác mỏ hiện chưa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững với môi trường. Ảnh: THINK STOCK PHOTOS

Liên minh vì môi trường

Canada, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức và Anh vừa thành lập một liên minh mới để buộc các công ty khai thác mỏ áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hơn với môi trường và có trách nhiệm hơn với xã hội. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson đã công bố thỏa thuận trên tại cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15) đang diễn ra ở Montreal (Canada).

Khoáng sản quan trọng mà thỏa thuận đề cập gồm khoảng 30 kim loại và khoáng chất cần thiết đối với phần lớn công nghệ hiện đại, trong đó có máy tính xách tay và điện thoại di động. Đây cũng là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất pin sạc sử dụng cho xe điện, cũng như lưu trữ năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Wilkinson nhấn mạnh, khoáng sản quan trọng là nền tảng cho nền kinh tế xanh và kỹ thuật số. Thông báo trên được đưa ra ba ngày sau khi Ottawa công bố chiến lược khoáng sản quan trọng của Canada, nhằm mục đích mở rộng sản xuất của Canada theo hướng bền vững với môi trường.

Liên minh giữa bảy cường quốc này được đánh giá là một nỗ lực nhằm mở rộng chiến lược của Canada trên phạm vi toàn cầu, mặc dù không rõ các nước thành viên sẽ mạnh tay như thế nào trong việc bảo đảm các khoáng sản quan trọng nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường giống như các khoáng sản được khai thác trong nước. Thỏa thuận cũng không nêu rõ các thành viên liên minh sẽ đóng vai trò ra sao trong việc bảo đảm các công ty của họ tuân thủ các tiêu chuẩn khi hoạt động ở nước ngoài. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại COP15 thể hiện nỗ lực của các quốc gia trên thế giới nhằm đạt được các chính sách vừa ngăn chặn, vừa khắc phục hậu quả tàn phá mà các hoạt động của con người, trong đó có hoạt động khai thác mỏ, đối với hệ sinh thái toàn cầu.

Phát triển năng lượng sạch

Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) vừa ký thỏa thuận Bảo lãnh đầu tư (InvestEU) trị giá 114 triệu euro. Thỏa thuận sẽ giải ngân khoản tài trợ của NIB lên tới 480 triệu euro cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, nghiên cứu, đổi mới và số hóa ở các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Ba Lan. Thỏa thuận bảo lãnh sẽ giúp huy động các khoản đầu tư công và tư trị giá hai tỷ euro cho lĩnh vực này.

NIB nhấn mạnh sẽ sử dụng thỏa thuận bảo lãnh để huy động đầu tư vào năng lượng sạch, khử carbone trong công nghiệp, cung cấp nguyên liệu thô, phát triển giao thông bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế sinh học, cơ sở hạ tầng dữ liệu bền vững và kỹ thuật số kết nối. Khoản tài chính này cũng hỗ trợ đầu tư vào các dự án về kinh tế xanh bền vững, không gian, cơ sở hạ tầng quan trọng, y tế và phát triển các công nghệ tiên tiến.

Những khoản đầu tư trên sẽ giúp Liên minh châu Âu (EU) đạt được các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn, đó là bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Ở giai đoạn này, bảo lãnh của EU qua InvestEU có thể được NIB sử dụng để hỗ trợ các dự án ở Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva, Ba Lan và Thụy Điển. Các hoạt động đầu tiên theo thỏa thuận sẽ được phê duyệt năm 2023. Theo Ủy viên Kinh tế của EU Paolo Gentiloni, InvestEU là một công cụ quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy thành công quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của các nền kinh tế.

Trong khi đó, Ai Cập đang triển khai xây dựng một trong những trang trại điện gió lớn nhất thế giới, như một phần của các dự án đã được ký kết tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh tháng 11 vừa qua. Người phát ngôn Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Ayman Hamza cho biết, dự án này sẽ giúp giảm 24 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, tạo 30.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 3.000 việc làm sau khi dự án đi vào hoạt động.