Nhạc đương đại khai thác vốn cổ:

Hướng đi độc đáo, giàu tương lai

Nhiều nghệ sĩ trẻ đang sản xuất các MV ca nhạc hiện đại vừa kết hợp rap, nhạc điện tử (EDM) vừa khai thác giai điệu truyền thống cho đến vũ đạo, trang phục dân gian… với cách trình diễn sôi động, bắt mắt. Các sản phẩm này đang gây được chú ý và đón nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Một màn trình diễn của ca sĩ Hà Myo. Ảnh tư liệu
Một màn trình diễn của ca sĩ Hà Myo. Ảnh tư liệu

Nở rộ sáng tạo “giao duyên” hiện đại - cổ truyền

Thời gian qua, cặp đôi Hà Myo và Thế Phương VBK đã kết hợp ăn ý để cho ra sản phẩm âm nhạc cách tân cuốn hút. Chỉ trong vài năm, nữ ca sĩ dân tộc Mường đã cho ra mắt gần 10 MV ca nhạc kết hợp EDM, rap và xẩm, như: “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm xuân chúc phúc”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm thập ân: Công cha ngãi mẹ sinh thành”…

Vẫn kết hợp với EDM, rap, nữ ca sĩ sinh năm 1993 còn khai thác dân ca Nam Trung Bộ trong MV “Ký sự Trường Sa”, với đàn tranh, đàn môi trong “Son”, với dân ca Mường sử dụng cồng chiêng Mường và sáo Ôi trong “Đập nàng Khọt”… Đặc biệt, MV hát xoan “Trò chơi… í a…Trời cho” mới ra mắt đánh dấu lần đầu tiên có một bài hát xoan được kết hợp với EDM hiện đại, trẻ trung cùng với rap.

Nếu Hà Myo chú tâm đến xẩm thì ca sĩ Hoàng Thùy Linh lại rất tâm huyết với MV âm nhạc hiện đại sử dụng chất liệu văn học, nghệ thuật truyền thống. Mở đầu cho công cuộc này, chị đã “trình làng” MV “Bánh trôi nước” khai thác chất liệu văn học với hàng loạt tác phẩm có yếu tố dân gian như “Tứ phủ”, “Duyên âm”, “Kẻ cắp gặp bà già”… Hay trước đây là bản hit “Để Mị nói cho mà nghe” mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, EDM sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, “Số đỏ”... Đặc biệt MV “See tình” với phần mở đầu là đoạn nhạc đờn ca tài tử vang lên gợi ra nét đẹp trong không gian văn hóa của miền Tây sông nước. Nữ ca sĩ sinh năm 1988 đã khéo léo khi đưa chất liệu văn hóa vùng miền vào trang phục, bối cảnh sông nước, ẩm thực, làng nghề truyền thống. “See tình” đã lên YouTube đã đạt hơn 40 triệu lượt xem.

Mấy năm gần đây, thị trường âm nhạc còn đón nhận sáng tạo của ca sĩ Đức Phúc với “Người ơi người ở đừng về” dựa trên chất liệu quan họ, Rapper Quân R.E.V với “Chí nam nhi” khai thác chất liệu ca trù, “Đen Vâu” đã đưa những câu chuyện đời thực “Việt hóa” thành những bài rap, đặc biệt là trong MV “Trốn tìm”. Còn Sèn Hoàng Mỹ Lam thì khai thác âm hưởng dân gian miền núi trong “Mời anh về Tây Bắc”. Hòa Minzy với MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, khai thác câu chuyện lịch sử về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với vua Bảo Đại, nhóm nhạc 365DaBand khai thác câu chuyện “Tấm Cám” trong “Bống bống bang bang”…

Đường mới không trải hoa hồng

Về hướng đi này, ca sĩ Hà Myo cho rằng sẽ tạo nên khác biệt, tuy nhiên đây là con đường không trải hoa hồng, bởi người nghệ sĩ cần phải có chuyên môn và năng lực thật vững mới khai thác hiệu quả để không làm sai lệch đi “khuôn vàng thước ngọc” của vốn cổ. “Tôi hy vọng có nhiều hơn những nghệ sĩ dành sự quan tâm tới vốn cổ, tìm hiểu nghiêm túc, phát triển một cách đúng đắn, văn minh, để cùng nhau là “cánh tay nối dài” giữa các thế hệ, lan tỏa hơn nữa giá trị của cha ông đến với khán giả trong nước và quốc tế”, ca sĩ nhấn mạnh.

Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) cho rằng, trào lưu khai thác các chất liệu ca cổ thực sự đáng khích lệ. Người Việt đã thấm lời ru, câu hò của bà, của mẹ từ bé nên có sự gần gũi khi tiếp nhận. Tuy nhiên, cái khó là nhiều chủ đề và chất liệu đã trở nên quen thuộc, dễ khai thác, nếu nhiều người cùng sử dụng thì lại nhàm. Ngoài ra, chất liệu cổ ở các vùng miền rất đa dạng và đặc sắc nhưng còn ít người dám đi sâu. “Để khám phá chất liệu âm nhạc cổ, nghệ sĩ phải đến những vùng xa xôi để trực tiếp tận hưởng, tiếp thu những bài hát dân ca, hò, vè... cũng như trải nghiệm văn hóa của vùng đó. Tôi mong rằng chính mình và nhiều nghệ sĩ trẻ khác sẽ được truyền cảm hứng, dám sáng tạo và không ngừng học hỏi để khai thác kho tàng văn hóa dân tộc”, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc khẳng định.

Sự kết hợp mới-cũ, xưa-nay, hiện đại-dân tộc có thể tạo ra sản phẩm độc đáo, mới mẻ và hợp xu thế hiện nay, cũng đồng thời đưa vốn cổ đến gần với thế giới đương đại. Nhạc sĩ Đoàn Thu Trà (Ban Văn nghệ VTV) nhấn mạnh, các sáng tác hay mang đậm màu sắc văn hóa Việt sẽ được khán giả đón nhận, không phân biệt lứa tuổi. Khán giả có quyền chọn “món ăn tinh thần” theo sở thích của họ. Món ăn ngon và lạ thì cần có thời gian để thẩm thấu, nhưng nếu nó thực sự chất lượng thì trước sau cũng sẽ hấp dẫn người thưởng thức.

Hiểu và tôn trọng để có sáng tạo hay

Cổ vũ hướng khai thác vốn cổ cho việc sáng tác và trình diễn hiện đại, nhưng nhiều ý kiến cũng lưu ý về việc cần thực tế, trải nghiệm, học hỏi nghiêm túc để chất liệu dân gian, truyền thống được khai thác không bị méo mó, sai lệch. Một số nghệ sĩ chia sẻ với Thời Nay.

PGS, TS, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, Trường đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư:

“Vốn cổ có đời sống khác”

Hướng đi độc đáo, giàu tương lai ảnh 1

Âm nhạc luôn có dòng chảy không ngừng, qua mỗi giai đoạn, thời kỳ, người nghệ sĩ lại có cách sáng tạo riêng để mang “món ăn tinh thần” mới lạ, độc đáo, hấp dẫn phục vụ tốt nhất nhu cầu của công chúng. Thời gian qua, các nghệ sĩ ra mắt sản phẩm âm nhạc hiện đại bám vào vốn cổ là hướng đi đầy táo bạo. Mọi hướng đi mới, ban đầu sẽ khó tránh khỏi ánh mắt soi xét của khán giả. Tôi tin và hy vọng trong thời gian tới những sản phẩm tương tự sẽ được ra mắt để khẳng định: vốn cổ không hề mất đi mà có một đời sống khác trong xã hội đương đại.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng:

“Đừng làm mất đi nét đặc trưng”

Hướng đi độc đáo, giàu tương lai ảnh 2

Nghệ sĩ trẻ hiện nay rất năng động, sáng tạo khi đã có những sản phẩm âm nhạc mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được màu sắc, âm hưởng của các bài cổ theo vùng miền. Lưu ý rằng, chỉ nên tạo ra màu sắc riêng biệt cho từng bài mang màu dân gian vùng miền đó chứ đừng xáo trộn, làm mất đi nét đặc trưng của âm nhạc dân gian. Bản thân trong vốn cổ đã có cái hiện đại vì bài bản của các cụ có nhiều tiết tấu rất văn minh, đảo phách, nhịp lẻ rất nhiều. Cùng với đó, phục trang cũng cần dùng đúng phong cách, chất liệu, kiểu dáng, màu sắc đặc trưng.

Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa, Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân:

“Nghiên cứu kỹ làn điệu, cách hát và diễn”

Hướng đi độc đáo, giàu tương lai ảnh 3

Tôi đồng tình, ủng hộ việc các nghệ sĩ trẻ sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc mới, bám chặt vào vốn cổ của ông cha. Tuy nhiên khi đã xác định làm thì không được làm cẩu thả, qua quýt, dễ dãi mà phải có sự đầu tư và làm cho tới. Muốn vậy, người sáng tạo cần nghiêm túc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng những tác phẩm âm nhạc cổ truyền từ làn điệu, cách hát, cách trình diễn… thì khi sáng tạo cái mới sẽ không bị lệch lạc, xa rời những giá trị vốn có của thể loại âm nhạc này.

Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội:

“Không chỉ ca từ mà còn trang phục”

Hướng đi độc đáo, giàu tương lai ảnh 4

Khi có một bộ phận khán giả dường như đang quay lưng với âm nhạc dân tộc, với giá trị văn hóa, lịch sử thì việc có những sản phẩm âm nhạc mới mẻ khai thác vốn cổ sẽ như chất kích thích “kéo” khán giả về với cội nguồn. Sự tìm tòi của các nghệ sĩ trẻ cho thấy sự nối tiếp để âm nhạc dân tộc mang hơi thở mới, hợp xu thế phát triển của âm nhạc đương đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức hiện nay. Tuy nhiên cũng cần lưu ý khi thể hiện các bài hát này, nên tìm tòi, sưu tầm không chỉ ca từ, giai điệu mà còn ở trang phục biểu diễn sao cho chuẩn xác với chất liệu âm nhạc mỗi vùng miền.

HẢI ĐÔNG (Thực hiện)