Điểm gặp cung cầu lao động
Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty May 10 đã triển khai thêm ba dự án mới với nhu cầu tuyển dụng thêm 3.000 nhân sự. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp khó vì việc tuyển dụng nhân lực ngành dệt may cũng ngày càng cạnh tranh với lĩnh vực khác như da giày hay sản xuất linh kiện. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết: “Chính phủ đang xây dựng sàn trực tuyến với tầm cỡ quốc gia, đây là một trong những điều tốt vì ngành may là ngành có khả năng cạnh tranh lao động rất khó khăn. Sàn giao dịch giúp chúng tôi kết nối với người lao động dễ dàng hơn”.
Thiếu đơn hàng đầu năm khiến doanh nghiệp phải tạm dừng tuyển dụng hoặc cắt giảm lao động. Tuy nhiên đã bước sang quý III, nhiều công ty đang phải dồn lực và tăng cường tuyển dụng nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh, nhưng xoay xở đủ cách vẫn chưa có đủ lao động là thực tế tại không ít doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chi tiền cho người môi giới tuyển dụng lao động là chuyện thường từ trước tới nay. Có những thời điểm, để tuyển được một lao động, doanh nghiệp phải trả 1,5-2 triệu đồng cho người môi giới. “Công ty sẽ đến các khu công nghiệp phát tờ rơi, đăng những bài tuyển dụng lên các nhóm trên Facebook, các nhóm về việc làm”, bà Mai Thị Lam, Trưởng bộ phận tuyển dụng, Công ty Hưng Việt Hưng Yên, cho biết.
Hơn 82 nghìn lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng cắt giảm lao động vẫn đang ở chiều hướng đi lên. Không có việc làm, không còn thu nhập, trong khi chi phí sinh hoạt cao, nhiều lao động vẫn đang ở lại thành phố, hy vọng sẽ kiếm được việc làm phù hợp. Vì vậy, việc triển khai sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối với nhân lực tốt hơn, còn giúp người lao động, đặc biệt nhóm lao động phổ thông có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm dễ dàng hơn.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Miền Bắc, Navigos Search (Navigos Group), nhận định: “Nhóm lao động phổ thông chiếm đại đa số trong lực lượng lao động của chúng ta thì chưa có nhiều cách tiếp cận. Việc phát triển được sàn giao dịch lao động trực tuyến sẽ giúp chúng ta có thể giải quyết hoặc nhắm tới được nhóm đối tượng lớn trong xã hội. Sàn giao dịch sẽ giúp luân chuyển được lao động ở khu vực đang dư đến khu vực đang thiếu việc làm”.
Công khai, minh bạch, an toàn cho thị trường lao động
Thực tế, sàn giao dịch việc làm ở quy mô địa phương cũng đã xuất hiện. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai dịch vụ giao dịch việc làm trực tuyến từ cuối năm 2021, kết nối 15 đầu mối giao dịch việc làm trên địa bàn và bước đầu thu được kết quả tương đối khả quan. Từ đầu năm đến nay, trung tâm này đã thu hút hơn 4.300 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 68 nghìn chỉ tiêu. Con số này tăng nhẹ so cùng kỳ nhờ đã tích cực chuyển đổi số, xây dựng mô hình sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Riêng tại Hà Nội, chúng tôi có hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm. Khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, kể cả sàn giao dịch việc làm tại Ba Vì cũng có khả năng phỏng vấn tại trung tâm ở Trung Kính hoặc từ Long Biên có thể phỏng vấn sang Gia Lâm, từ Mê Linh có thể phỏng vấn xuống tận Phú Xuyên. Riêng việc đó cũng đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp có nhiều hơn cơ hội để tuyển dụng người lao động”.
Hiện, cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng xây dựng những sàn giao dịch việc làm trực tuyến như kể trên. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy cơ sở dịch vụ việc làm nhiều nhưng cơ sở dữ liệu việc làm còn tản mát, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm. Công tác kiểm tra, giám sát tính minh bạch, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giao dịch việc làm còn nhiều hạn chế.
Để thay đổi thực tế trên, một sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia đang được các bộ, ban, ngành tính đến. Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay, việc có một sàn giao dịch việc làm quốc gia là cần thiết để đáp ứng cung - cầu lao động và giảm được chi phí cho người sử dụng lao động cũng như người lao động khi đi tìm việc hoặc việc đi tìm người. “Nếu chúng ta có sàn, tôi cho rằng đây là một biện pháp hết sức hữu hiệu để chúng ta sử dụng nguồn nhân lực một cách tốt nhất theo đúng tinh thần Đại hội XIII đã nêu: vấn đề nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá”, ông Trung nói.
“Cùng với đó, nếu có sàn giao dịch quốc gia thì chúng ta bảo đảm được tính công khai, minh bạch, an toàn cho người lao động và người sử dụng lao động, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm được các thông tin về thị trường lao động. Trong đó có một điểm rất quan trọng là dự báo về thị trường lao động”, ông Trung nhấn mạnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, trong đó có nội dung liên quan đến đề xuất xây dựng các sàn giao dịch việc làm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, thị trường cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện công tác quản lý nhà nước với nguồn nhân lực trong cả doanh nghiệp công lập và tư nhân, kết nối thông tin việc làm tại những nơi mà doanh nghiệp chưa bao phủ.