Hội An, gặp lại...

Tôi trở lại ngôi nhà đậm chất hoài niệm giữa phố cổ Hội An, nơi có Ami Galeri, chỉ gặp người bạn già Jean Cabane, không còn bóng dáng chị Hoa đâu nữa. Jean ở đó một mình với một trời ký ức về Hoa, người vợ thân yêu người Việt của anh, khi chị đã hóa thân về đất mười mấy năm rồi.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Jean Cabane trước phòng tranh của ông.
Họa sĩ Jean Cabane trước phòng tranh của ông.

Ngày đó…, tình cờ một buổi tối Hội An, tôi đã gặp Jean Cabane. Chỉ vài câu chuyện đã hiện ra vẻ đẹp từ tâm hồn của gã đàn ông râu ria, bụi bặm. Anh là họa sĩ, là thầy giáo, nhưng trước hết, Jean là một người luôn biết cách chia sẻ. Vì tình yêu Việt Nam, tình yêu với người vợ Việt, anh đến đây và đã ở lại. Trong tiếng Pháp, “ami” nghĩa là “bạn bè”, Jean đã đặt tên phòng tranh của mình với hàm nghĩa như thế. Anh sống ở đất này bằng tinh thần nhân văn mà một người mang dòng họ Cabane lâu đời đã được hun đúc. “Cabane”, tiếng Pháp nghĩa là “ngôi nhà nhỏ”, giống như là “tổ ấm” trong tiếng Việt, Jean giải thích.

Sinh năm 1949, năm 2005 kết thúc quãng đời 37 năm dạy học ở quê nhà. Jean sang Việt Nam. Lúc đầu, chỉ với mục đích là du lịch, khám phá vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của một đất nước mà anh đã biết ít nhiều qua sách báo. Đến rồi thì lại muốn ở lại để “làm điều gì đó”. Điều đầu tiên là anh nhận dạy tiếng Pháp thiện nguyện ở Trường đại học Đà Nẵng. Ở Việt Nam, Jean đã rảo gót khắp mọi miền đất nước, thích thú nhất là đến với đồng bào thiểu số Tây Nguyên hay Tây Bắc. Anh lang thang tìm hiểu văn hóa M’Nông Ga hay Chămpa cổ. Có một việc khác trong mỗi chuyến đi của Jean, là công việc của một nhà từ thiện bởi anh là đại diện của Hiệp hội Giọt Nước, một hiệp hội nhân đạo, góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam và người nghèo. Jean đã tích cực vận động và chia sẻ với nhiều người dân ở các vùng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…

Jean học vẽ và vẽ tranh từ nhỏ. Khi sang Việt Nam, niềm đam mê sắc màu đã trở lại với Jean. Anh vẽ một cách phóng khoáng và hồn nhiên với bất kỳ đề tài gì tâm đắc; vẽ như một khát khao được giải tỏa cảm xúc, vẽ để chuyển tải những thông điệp nhân văn đến với mọi người. Mỗi tác phẩm của Jean muốn chia sẻ một thông điệp nhỏ. Anh không phản ánh hiện thực trần trụi mà muốn thể hiện những giấc mơ bay bổng, dù hoàn cảnh nhân vật có đau khổ đến đâu. Tôi xem tranh của Jean và rất ngạc nhiên bởi tất cả tác phẩm của anh đều được vẽ trên giấy dó; sự hòa quyện giữa bút pháp hiện đại và chất liệu truyền thống của người Việt là một kết hợp độc đáo của anh…

Chị Hoa đã mất vì tai nạn giao thông trong một lần cùng chồng về Pháp. Jean mang lọ tro cốt của vợ về với sông Hoài và anh đã ở lại với nơi chốn này. Tôi hỏi: “Chị mất từ lâu, sao anh không trở về nước Pháp?” Jean bùi ngùi: “Tôi đã thuộc về nơi chốn này, cũng như tình yêu của tôi mãi mãi thuộc về Hoa!”…