Học nghề để trở lại thị trường lao động

Hỗ trợ đào tạo nghề giúp người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động là một trong bốn quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều người lao động thất nghiệp sau khi tham gia học nghề tại các trung tâm dịch vụ việc làm đã được trang bị kỹ năng nghề, giới thiệu việc làm mới, chuyển đổi công việc để hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Học nghề tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.
Học nghề tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.

Đón cơ hội mới

Nguyễn Thị Ánh, 32 tuổi, từng tốt nghiệp Trường đại học Thương mại Hà Nội và làm thu ngân cho siêu thị Fivimart trên phố Hoàng Quốc Việt. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, siêu thị đóng cửa, Ánh mất việc. Ánh không về quê ngay mà đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tại đây, Ánh mới biết đến những lớp học nghề miễn phí như lái xe ô-tô, sửa xe máy, may công nghiệp, pha chế đồ uống, làm bánh, học nấu ăn… Ánh đã chọn lớp nấu ăn để theo học. Ánh cho biết, học nghề xong sẽ chọn làm thương mại điện tử, kinh doanh các mặt hàng nông sản, vì vậy những kiến thức của lớp học rất bổ ích. “Quê em ở vùng biển Thanh Hóa, có nhiều sản vật địa phương. Vì vậy em sẽ cố gắng xây dựng một trang web bán hàng trực tuyến các sản phẩm của quê hương. Có kiến thức về cách chế biến, những mặt hàng em bán sẽ đa dạng hơn”.

Còn chị Lưu Thị Huệ, 37 tuổi, làm công nhân may tại Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), mất việc trong đợt dịch Covid-19 khi đã nhiều tuổi khiến chị không khỏi băn khoăn. Chị cho biết, các con chị đều đang độ tuổi ăn học nên chị quyết tâm không được phép nản lòng, tiếp tục làm chỗ dựa trong gia đình. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị được tư vấn về những lớp học nghề miễn phí dành cho lao động. Cuối cùng chị Huệ đã lựa chọn lớp nấu ăn để theo học.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, chị Huệ cho biết, trong nghề may, tuổi ngoài 35 được coi là cao, sớm muộn cũng không theo được nghề đã chủ động học nghề nấu ăn, phù hợp với việc kinh doanh ăn uống hoặc bán đồ ăn qua mạng. Với thời gian theo học hai tháng, chị Huệ đã được học chế biến 50 món ăn truyền thống của Việt Nam. “Ngoài dạy nấu ăn, các thầy ở trung tâm còn truyền đạt cho chúng tôi kinh nghiệm trong kinh doanh để làm sao tránh được những thiệt hại về kinh tế khi bắt đầu khởi nghiệp. Những kiến thức chúng tôi có được từ lớp học rất thiết thực để chúng tôi bắt đầu cho một công việc mới”, chị Huệ nói.

Hay như anh Nguyễn Quốc Hoàn, 32 tuổi, từng là nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp phân phối thiết bị vệ sinh. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của công ty giảm, thu nhập thấp nên Hoàn xin nghỉ làm. Khi đi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, Hoàn đăng ký học nghề pha chế đồ uống. “Hai tháng trước, tôi đã đi tìm địa điểm ở khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ mở quán bán nước ép trái cây để chuyển đổi công việc”, Hoàn nói.

Cũng như anh Hoàn, một số học viên đang theo học các lớp pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết có ý định kinh doanh đồ uống trực tuyến, mở quán hàng tại nhà hoặc thuê cửa hàng. Vì thế, các học viên mong được trung tâm và giáo viên tư vấn chọn địa điểm, tính toán chi phí mở quán, quảng bá hình ảnh tới khách hàng.

Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã xác định việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Số lượng đi học nghề vẫn còn thấp

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai chương trình bảo đảm 100% người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, được tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định. Bên cạnh chú trọng bảo đảm chất lượng giảng dạy các nghề sẵn có, Trung tâm còn liên hệ, phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu và khả năng để tạo nhiều cơ hội học nghề cho người lao động. Các ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đa dạng phong phú hơn đáp ứng được nhu cầu của người lao động; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đã có rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học ngoài việc đã tìm được việc làm mới hoặc đã tự mở được cửa hàng ăn, cà-phê giải khát, làm bánh ngọt… ổn định cuộc sống bản thân và gia đình.

Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng, do các trung tâm dịch vụ việc làm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội được phép đào tạo năm nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Tin học văn phòng, May công nghiệp, Sửa chữa xe máy. Hiện nay, nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống được nhiều người lao động đăng ký học, tiếp đến là nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Lái xe, Làm bánh.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong các lớp sơ cấp nghề cho lao động thất nghiệp, nghề kỹ thuật chế biến món ăn có số lượng người lao động đăng ký học nhiều nhất. Sau khóa học, hầu hết các học viên có việc làm ngay, một số khác đã tự mở nhà hàng, quán ăn hay làm nghề giúp việc gia đình.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm tổ chức đào tạo theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời gian, tỷ lệ học lý thuyết - thực hành. Mức kinh phí hỗ trợ học nghề tăng lên là phù hợp với giá cả thị trường; đồng thời trung tâm có điều kiện mua thêm nguyên vật liệu để học viên được thực hành nhiều lần hơn, bảo đảm thuần thục. Ngoài ra, chương trình học nghề cũng được điều chỉnh với nội dung đa dạng hơn để hấp dẫn người học và phù hợp với thị trường.

Số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng cao so với những năm trước, tuy nhiên, theo đánh giá vẫn còn quá thấp so với lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Hiện nay, các cơ sở dạy nghề cũng không thể mở riêng lớp cho một vài lao động thất nghiệp. Còn lao động học chung với khóa đào tạo của trường nghề thì lại mất thời gian đến vài năm, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ học nghề đã phần nào giúp người lao động được học một nghề thích hợp khả năng của mình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và cho gia đình”, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Để tạo điều kiện cho lao động có việc làm sau học nghề, tại những buổi lễ tốt nghiệp khóa học nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động làm ở vị trí gắn với nghề người lao động đã học, để cung cấp thông tin về vị trí việc làm, mức lương và học viên có nhu cầu thì đăng ký. Ngoài ra, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng sẽ tới lớp học để cung cấp thông tin thị trường lao động; thông báo về những phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tiếp cận nhiều doanh nghiệp và tham gia ứng tuyển, nhằm sớm quay trở lại thị trường lao động…

Từ tháng 3/2022, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các lớp học nghề cho đối tượng người lao động thất nghiệp. Trong chín tháng đầu năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận gần 53.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và có khoảng 1.200 người lao động nộp hồ sơ để hưởng quyền lợi học nghề dành cho lao động thất nghiệp từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, có 671 người lao động đăng ký học nghề.