Hoàn thiện phương án quản lý, điều hành giá xăng, dầu

Việc điều hành hoạt động cung ứng xăng, dầu là yếu tố quan trọng trong bảo đảm sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Tùy vào đặc điểm như vị trí, thể chế hay quy mô của nền kinh tế, mỗi nước sẽ chọn cho mình một phương pháp quản lý, điều hành thị trường xăng, dầu khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đang hoàn thiện chính sách quản lý thị trường xăng, dầu. Ảnh: SONG ANH
Bộ Công thương đang hoàn thiện chính sách quản lý thị trường xăng, dầu. Ảnh: SONG ANH

Tình hình an ninh năng lượng trong thời gian gần đây có những biến động khó lường. Đặc biệt do ảnh hưởng của các xung đột Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông… các nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận chuyển tăng cao. Đó là chưa tính đến một số khó khăn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Tựu trung lại, đã đến lúc chúng ta phải có những bước đi mới, thích nghi hoàn cảnh, ổn định hơn nữa thị trường xăng, dầu nói riêng và an ninh năng lượng nói chung.

Kinh nghiệm từ các nước khu vực và thế giới

Trong việc quản lý và điều hành thị trường xăng, dầu, một số nước trong khu vực như Singapore, Ấn Độ… cho phép doanh nghiệp tự xác định giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường. Singapore không ban hành các quy định trực tiếp can thiệp vào giá xăng, dầu. Khi cần, chính phủ sử dụng các biện pháp tài khóa hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi biến động giá xăng, dầu. Tại Ấn Độ, giá dầu diesel và giá xăng được cập nhật hằng ngày. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp điều chỉnh giá lúc 6 giờ hằng ngày cùng với một số yếu tố chi phối khác như thuế, phí…

Với một số quốc gia khác, hình thức quản lý của nhà nước đối với xăng, dầu lại có sự khác biệt. Campuchia và Trung Quốc thực hiện ấn định giá trần. Tại Campuchia, giá trần được điều chỉnh vào ngày 1, 11, 21 hằng tháng. Cứ sáu tháng, Bộ Thương mại họp với các công ty kinh doanh xăng, dầu kiểm tra các “chi phí và lợi nhuận định mức”. Với Trung Quốc, giá xăng, dầu căn cứ trên giá dầu thô làm cơ sở. Cùng với đó là các loại thuế, chi phí vận chuyển, chi phí luyện dầu. 10 ngày giá xăng, dầu sẽ được điều chỉnh một lần. Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đưa ra giá trần cao nhất đối với xăng, dầu thành phẩm. Các đơn vị kinh doanh tự điều chỉnh giá nhưng không vượt quá mức giá trần này. Giá trần được niêm yết công khai trên website của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, mỗi địa phương tùy thuộc năng lực, điều kiện của mình sẽ có một mức giá khác nhau.

Ở chiều hướng ngược lại, tại Indonesia, nhà nước trực tiếp định giá với xăng, dầu trợ cấp (dầu hỏa, dầu diesel và xăng RON 90) và được áp cho cả nước. Các loại xăng, dầu không được trợ cấp, doanh nghiệp tự quyết định giá dựa trên công thức giá bán trần. Công thức này được tính theo cách: Giá bán lẻ cao nhất = giá cơ sở = thuế VAT = thuế xăng dầu + biên độ (tối đa 10% giá cơ sở). Giá cơ sở = giá xăng dầu = các chi phí liên quan đến phân phối + kho bãi chứa + biên độ. Trong một số trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể ấn định giá cơ sở.

Khi giá xăng, dầu có biến động bất thường, mỗi quốc gia lại có cơ chế khác nhau để điều hành. Chính phủ Hàn Quốc sẽ trực tiếp can thiệp khi giá dầu tăng bất thường tới ngưỡng. Ngay lập tức giá trần hoặc giá cố định được áp dụng để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.

Với quốc gia lớn như Mỹ, chính phủ hầu như không hạn chế việc doanh nghiệp tham gia thị trường và kinh doanh, bao gồm cả quyền nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các quy định chung về bảo vệ người tiêu dùng, chống các hành vi phi cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nộp các loại thuế, phí, tuân thủ quy định môi trường, an toàn…

Chính phủ Mỹ cũng không can thiệp trực tiếp đến giá cả thị trường xăng, dầu. Kho dự trữ dầu “khổng lồ” của Mỹ đủ để bảo đảm nguồn cung thị trường nội địa, thậm chí can thiệp vào giá xăng, dầu thế giới trong trường hợp thiếu hụt. Không phải quốc gia nào cũng có đủ tiềm lực để xây dựng một kho dự trữ quy mô như vậy.

Hoàn thiện phương án quản lý, điều hành giá xăng, dầu ảnh 1

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được tạo điều kiện hoạt động theo cơ chế thị trường.

Thích ứng cơ chế thị trường và hoàn thiện khung pháp lý

Theo số liệu năm 2022, kho dự trữ xăng, dầu chiến lược của Mỹ có thể trữ tới 714 triệu thùng dầu. Người Mỹ đang tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày. Như vậy, với kho dự trữ của mình, nước Mỹ có thể yên tâm trước bất kỳ sự biến động nào về giá, hoặc kể cả khủng hoảng xăng, dầu quy mô thế giới. Xét đến quy mô và tiềm lực hiện tại, phương án này đối với Việt Nam hầu như bất khả thi. Trong hoạt động điều hành cung ứng xăng, dầu, chúng ta vẫn phải cân nhắc các phương án điều chỉnh giá hoặc quỹ bình ổn giá xăng, dầu…

Đứng trước những yêu cầu cấp thiết về việc phải thay đổi, cải tiến phương pháp điều hành thị trường xăng, dầu, Bộ Công thương vừa qua đã có tờ trình về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Một số nội dung đề nghị có tính thực tế cao, bám sát với chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện hơn nữa cho thị trường xăng, dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hiện nay, giá xăng, dầu là mức giá tối đa do nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức tính giá xăng, dầu cơ sở. Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán, can thiệp sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp. Nhằm giảm hẳn sự can thiệp của nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, dự thảo Nghị định đang đề xuất nhà nước chỉ công bố giá xăng, dầu thế giới và một số chi phí cố định, theo chu kỳ 15 ngày. Thương nhân tự công bố giá bán dựa trên công thức do nhà nước quy định…

Việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được thực hiện theo từng kỳ điều hành giá xăng, dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số cơ quan liên quan cho rằng, việc bình ổn xăng, dầu thường xuyên nhưng không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Mặc dù Luật Giá quy định khá chi tiết về Quỹ bình ổn giá như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan; trình tự, thủ tục bình ổn giá, nhưng Luật Giá chưa có quy định cụ thể về trường hợp nào thì lập quỹ, chi quỹ để bình ổn giá. Để cụ thể hóa quy định của Luật Giá về bình ổn giá xăng, dầu, dự thảo Nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ, thí dụ như giá xăng, dầu thế giới tăng ở mức X USD duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo quy định của Luật Giá.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định có một số nội dung đáng chú ý khác như Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, điều kiện kinh doanh (kho chứa, kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu, năng lực thực hiện tổng nguồn cung của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu), hệ thống kinh doanh xăng, dầu…

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, nội dung của dự thảo Nghị định mới bảo đảm mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, không thiếu hụt, bảo đảm an ninh năng lượng. Trong quá trình điều hành giá xăng, dầu, cố gắng gắn với câu chuyện tiếp cận được cơ chế thị trường, nhưng phải có sự điều tiết của cơ quan nhà nước.