Con trẻ sinh ra, người mẹ dùng tấm thổ cẩm ủ tròn giấc ngủ; đêm rừng lạnh giá, vợ chồng chung nhau tấm đắp nghĩa tình; thổ cẩm không thể thiếu trong các dịp lễ trọng. Trên những tấm thổ cẩm, người dệt đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm và sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn trang trí sinh động.
Chủ đề hoa văn của các dân tộc Tây Nguyên đều có đặc điểm chung biểu đạt sự vật, hiện tượng tự nhiên; các vật dụng sinh hoạt, sản xuất; động vật… Tuy nhiên, dựa vào biên độ mầu sắc, kết cấu và họa tiết cụ thể, có thể nhận biết thổ cẩm của từng dân tộc.
Tại vùng người Cơ Ho Cil ở buôn Ja xưa, nay thuộc xã Đưng K’Nơh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn gìn giữ, tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hôm tôi đến, Nghệ nhân Ưu tú Bon Niêng K’Glòng đang cất câu Ndrĩ Nring bên khung quay sợi: "Con gái phải biết dệt vải/Phải dệt khéo để có chăn đẹp/Chăm chỉ quay tơ thì chỉ dệt mới dài…". Bà bảo: "Ngày xưa, con gái trong buôn này ai cũng biết hái bông, xe sợi và pha mầu từ cây rừng để dệt thổ cẩm. Nghề truyền thống của dân tộc mình mà, con gái phải biết dệt thổ cẩm, đẹp hay xấu là nhờ đôi tay, con mắt để phối mầu, dệt hoa văn".
Theo nghệ nhân K’Glòng, để dệt nên tấm thổ cẩm mang thuộc tính cơ bản của di sản văn hóa tộc người nam Tây Nguyên, phải thực hiện khá nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm mầu, lên khung và ngồi dệt. Người Cơ Ho không có khung dệt cố định, đó là bộ khung dệt rời bằng 12 thanh gỗ hoặc tre nhiều kích cỡ, mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng và từ xưa đến tận bây giờ, vẫn không thay đổi.
Về nhuộm sợi, pha mầu, theo lời kể của người già ở các buôn làng Cơ Ho, mầu xanh thì lấy lá cây tơ-rung giã nát, ngâm trong ché một tuần rồi trộn nát, để thêm hai ngày và xát nhỏ, nước lá đông lại. Lúc nhuộm, lấy chất đông keo đó hòa với nước và ngâm sợi trong hai ngày. Mầu xanh dương thì ngâm với lá chàm be, mầu đỏ là cỏ họ dền, mầu vàng thì từ củ nghệ dại. Những mầu sắc ấy, tùy theo loại sản phẩm mà nhuộm cho phù hợp, như tấm đắp (ùi tơng), váy (ùi ngoách), tấm choàng (ùi khan bay), dây cột đầu hay dây đeo tay... Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Trọng Hộ (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết: "Thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho có mầu trầm chủ đạo, trên đó là bức tranh của cuộc sống gắn với văn hóa rừng, biểu hiện khả năng ứng xử, phương thức ứng xử giữa con người với nhau và với tự nhiên. Kỹ thuật tạo hoa văn chủ yếu dựa vào cách đan sợi, cũng có quy tắc truyền thống, nhưng đôi khi là sự sáng tạo thêm của người dệt".
Chủ đề hoa văn trang trí trên thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho thường là các sự vật, hiện tượng tự nhiên, muông thú và các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của họ, như cầu thang nhà sàn, răng cưa, lá đùng đình, chuỗi cườm, xà gạt, ché rượu cần… "Hoa văn truyền thống là vậy, nhưng không phải ai dệt cũng giống nhau. Mầu sắc, sự phối hợp và cách đan xen các họa tiết trên tấm thổ cẩm cũng tùy cảm xúc, cách nhìn và cả sở thích của mỗi người, nhưng không được rời khuôn phép", nghệ nhân K’Glòng chia sẻ.