1/Mới sáng sớm mở cửa ra tôi đã nhìn thấy dì đang lui cui bên mấy luống rau. Su hào, bó xôi, cải cúc, đậu cove và cả những luống rau cải. Rau cải xanh mướt lấm tấm những đọt hoa vàng. “Sao không ăn mà để cải ra hoa thế kia hả dì”? Tôi đánh tiếng chào. Dì buồn buồn: “Tuần này chưa thấy đứa nào về lấy. Cháu đừng đi chợ, thiếu rau thì cứ lấy mà ăn nhé”.
Người già tính hay lam hay làm lại sốt ruột, không kiếm ra đồng tiền nào thì cứ như lửa đốt trong bụng. Nuôi mấy con lợn cũng chỉ để đến lứa thì mổ ra chia hai con với gọi khắp anh em họ hàng ăn chung, gọi là thu hồi tiền giống má cám bã. Còn bao nhiêu thời gian dì chăm chút cả cho vườn rau này.
Hai đứa con dì ở Hà Nội cuối tuần lại lái xe về chở đi từng bó rau, quả trứng gà, những con cá sông, tôm sông mà dì mua được để dành cho. Tôi nhớ những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, khi toàn Hà Nội giãn cách. Lúc đó trời mùa hè nắng chang chang, rau cỏ héo khô, dì vẫn cùi cụi tưới nước ngày hai buổi không sót lần nào. Hằng ngày xem tivi thấy nói Hà Nội chỗ này vùng xanh, chỗ kia vùng đỏ, chỗ nọ vùng vàng, dì cứ lo thon thót. Rau thì bỏ già không ai về lấy. Lòng dạ rối bời ăn cũng chẳng ngon. Dì hằng ngày gọi điện cho con, cho cháu, dặn dò, hỏi han đủ thứ rồi vẫn cứ hằng ngày ra chợ mua từng mớ cá, từng lạng tôm cho vào ngăn đá, chờ ngày con về lấy.
Tôi biết, các con của dì… trốn mẹ. Bốn đứa trai gái dâu rể đều muốn nhân cơ hội này để mẹ nghỉ ngơi, không cho mẹ đi làm nữa. Ai dè, bà lại vẫn xoay trần vừa nuôi lợn vừa trồng rau vất vả như thế. Thậm chí, mấy đứa em tôi còn cáu. Chúng nó ra vẻ dỗi mẹ, không về lấy đồ ăn thức uống mang đi. Vậy mà dì vẫn trồng, vẫn nuôi, vẫn ngóng chờ. Không thấy con về là dì cuống lên nghĩ ngợi: “Hay chúng nó dính Covid rồi” và gọi điện đi khắp nơi khóc lóc hỏi han. Tôi đành phải động viên các em, thôi thì người già quan tâm thương yêu con cháu, từng nắm rau, mớ cá, quả trứng cũng là tình máu mủ ruột già. Về hớn hở tay xách nách mang đi cho bà vui thì chúng nó mới nghe ra.
2/“Về quê”. Mùa dịch này hai từ đó không còn mang theo biết bao sự trìu mến như trước. Đồng Xuân, Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc quê tôi hai năm nay bao lần lao đao vì dịch. Đầu tiên phải kể đến ổ dịch Sơn Lôi. Chợ Đồi Sơn Lôi cách Đồng Xuân có vài vòng quay bánh xe đạp. Người Sơn Lôi ngày nào chả ra chợ Xuân Hòa buôn bán, người Xuân Hòa vẫn thường vào chợ Sơn Lôi mua sắn, mua khoai. Bởi thế, tin thời sự hằng ngày đưa về Sơn Lôi thì người Đồng Xuân cũng lo ngay ngáy. Chả may mua phải hàng của người Sơn Lôi, chả may đi chợ va phải người Sơn Lôi… thì sao?
Cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh cứ tăng lên từng ngày. Người Xuân Hòa về quê cũng mang theo bao lo lắng. Chẳng biết người nhà của mình có tiếp xúc với ai ở Sơn Lôi không? Mình về bây giờ liệu có lây lan không? Đã từng có lúc khách sạn, nhà hàng treo biển cấm người từ Vĩnh Phúc đến. Đã từng có lúc cơ quan công sở các nơi yêu cầu người dân về Vĩnh Phúc lên phải khai báo y tế, thậm chí tự cách ly tại nhà. Điều đó càng khiến mỗi người phải tự điều chỉnh. Người Vĩnh Phúc không dám thể hiện nhớ nhung mời gọi con em ở xa về quê nữa. Các em tôi ở xa cũng đành nén bớt nhu cầu, việc đặng chẳng đừng thì mới về, mắt trước, mắt sau là đi, không dám lang thang trường cũ bạn xưa, ngắm chợ, ngắm đồi như trước đây mỗi lần về quê nữa.
Vào dịp nghỉ 30/4, 1/5 năm nay, chưa hết lễ, bao cuộc đoàn viên tụ hội của các gia đình Vĩnh Phúc bỗng chốc biến thành cuộc “di cư thần tốc”. Thông tin quán bar Sunny ở Phúc Yên ca bệnh tăng lên từng giờ không chỉ được báo chí truyền hình cập nhật mà còn bay đi khắp các diễn đàn, nhóm thông tin. Người nháo nhào rời đi, người ở lại cũng lo lắng, bất an. Làn sóng thứ tư chính thức bùng lên. Những cuộc về quê giảm hẳn. Ngay cả khi Vĩnh Phúc tháo dỡ các chốt, vùng nọ sang vùng kia, tỉnh nọ sang tỉnh kia bình thường trở lại thì những con đường cửa ngõ cũng không còn nhộn nhịp người trở về quê ngày xưa nữa.
3/Thế rồi, cuộc sống vẫn tiếp diễn khi cả con người và virus SARS-CoV-2 đang tìm cách thích nghi. Dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, dịch bệnh tại nơi đây ổn định, không tăng nhiều ca mắc mới. Người xa quê “dám” tự tin trở về quê, ngó nghiêng vườn rau, gốc mít mà không ngại hàng xóm xì xầm, kỳ thị. Người dân quê tôi cũng như bao nơi khác, phòng dịch, chống dịch nhưng không còn sợ dịch nữa. Từ đi chợ đến đi đường, kể cả nơi vắng vẻ, không cần phải phạt, ai nấy cũng đều đeo khẩu trang. Những cuộc tụ họp hạn chế, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 với những giảng đường im lìm, những ngôi trường im lìm chờ ngày mở cửa trở lại mà ai cũng tin rằng sẽ không xa lắm nữa. Dì tôi vẫn mong được dậy sớm đi nấu cơm cho những đứa trẻ bằng tuổi cháu nội, cháu ngoại của bà, ngắm chúng ăn, nhìn chúng vui chơi và học hành cho đến khi già không đi nổi mới thôi.
Đồng Xuân (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mà ngày nay chúng tôi vẫn quen gọi tên cũ Xuân Hòa chỉ cách Hà Nội 40 km nhưng địa hình, khí hậu đã có nhiều khác biệt. Cả thị trấn quanh co thoai thoải những chân đồi. Đồi Thằn Lằn chạy dọc thị trấn xưa kia hoang vu, ngập bóng cây dại. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, người dân có nhu cầu tập thể dục, nâng cao sức khỏe, thành ra đây là nơi lý tưởng cho dân cả vùng. Rừng keo lá chàm, keo tai tượng chưa đến tuổi thu hoạch lá rụng mềm bước chân. Những chiếc bốt Thằn Lằn thực dân Pháp xây dựng hơn trăm năm nay để án ngữ chiếm giữ những điểm cao dọc từ Xuân Hòa sang tận Thái Nguyên có hạng mục vẫn sừng sững ở đó, có hầm hào lô cốt chìm dần dưới đất theo thời gian.
Tôi cùng dì bước cách xa đoàn người đi trước một đoạn. Ai nấy đều đeo khẩu trang kín mít. Không khí thanh sạch, bóng cây và hơi lạnh xua đi cái mệt nhọc của quãng đường núi khúc khuỷu. Xuân sẽ đến để bà dì tôi nở nụ cười tươi bên vườn cải hoa vàng, cho bao người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm được trở lại nhịp sống, nhịp lao động của mình như ngày trước.