Hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Thiếu nguồn vốn và kiến thức kinh doanh, con đường khởi nghiệp của thanh niên nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đây cũng là điều mà các tổ chức Đoàn đang trăn trở, tìm cách hỗ trợ cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Chuỗi hội nghị tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên sẽ tiếp tục được tổ chức trong thời gian tới.
Chuỗi hội nghị tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên sẽ tiếp tục được tổ chức trong thời gian tới.

Về quê lập nghiệp

Từ khát khao xây dựng bản làng ngày một phát triển, Thào A Dê, chàng thanh niên đầu tiên ở xã Tả Giàng Phình (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thi đỗ đại học đã quay trở về quê hương lập nghiệp. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào xây dựng mô hình De Chu homestay phục vụ du lịch cộng đồng, tạo nên một trong những mô hình đầu tiên ở đây. Hiện, homestay của Thào A Dê là không gian vui chơi ngoài trời và hỗ trợ các đoàn từ thiện, phục vụ khách có nhu cầu leo núi Ngũ Chỉ Sơn. Thào A Dê còn phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh cùng các thanh niên ở quê mình xây dựng chuỗi liên kết nuôi cá hồi, cá tầm để cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, nhiều thanh niên trước đây phải sang bên kia biên giới làm thuê, giờ đã ở nhà yên tâm lập nghiệp trên quê hương.

Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của thanh niên nông thôn không trải hoa hồng. Cũng xuất phát từ tình yêu cháy bỏng với quê hương miền biên viễn, Vù A Và (thôn Suối Thầu, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) cũng quay trở về quê hương tìm cách lập nghiệp. Năm 2017, A Và vận động các thanh niên trong thôn cùng mình mở đường mòn, cải tạo các chòi canh trên núi Ngũ Chỉ Sơn để đón du khách đến tham quan. Tuy nhiên, do đây là điểm xã nhất của thị xã, đường đi lại khó khăn nên còn ít du khách biết đến. Thêm vào đó, hai năm dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều bạn trẻ trong nhóm nản chí. Duy chỉ con hai vợ chồng Vù A Và vẫn nuôi đam mê và đang tìm cách phát triển du lịch cộng đồng ở Ngũ Chỉ Sơn. Hiện, một số hộ thanh niên, trong đó có gia đình Vù A Và đang triển khai mô hình nuôi cá tầm, cá hồi để có thêm thu nhập.

Cũng trở về lập nghiệp ở quê hương, Chảo Lao Tả (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) chọn cho mình con đường thương mại hóa sản phẩm lá tắm Dao đỏ. Chảo Lao Tả cho biết, trước đây, lá tắm chỉ là kinh nghiệm lưu truyền trong dân tộc Dao giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, chữa bệnh, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ. Nhận thấy khách du lịch đến trải nghiệm và rất hài lòng nên sau khi tốt nghiệp trở về quê, Chảo Lao Tả đã nghiên cứu để chuẩn hóa bài thuốc. Hiện, sản phẩm đã phân phối ở thị trường Sa Pa và một số tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng lá thô, vì vậy Chảo Lao Tả đang trăn trở, mày mò tìm cách tinh chế thành dạng bột, dạng viên.

Hướng đến đổi mới sáng tạo

Anh Trần Thanh Tú, Phó Bí thư thị đoàn Sa Pa cho biết: Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao được làm giàu trên mảnh đất quê hương, thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn con đường về quê lập nghiệp. Tại Sa Pa, hiện đang có 38 mô hình, tổ hợp tác, HTX của thanh niên có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Các mô hình tập trung vào các sản phẩm như trồng cây địa lan, cây dược liệu, thiết kế các khu check in, khu du lịch cộng đồng và đặc biệt hiện nay có một số mô hình khởi nghiệp của thanh niên gắn với khu du lịch sinh thái cộng đồng để tổ chức các tour trải nghiệm cho du khách… Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của các bạn thanh niên nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi thiếu cả nguồn vốn và kiến thức kinh doanh. Thị đoàn đang đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kiến thức và tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Mới đây, tại Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tổ chức ở Sa Pa, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến yếu tố đổi mới sáng tạo trong việc phát triển các mô hình khởi nghiệp. Đánh giá cao những mô hình kinh doanh dựa trên chính tiềm năng của quê hương, bà Venus Teoh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Truyền thông Công ty SABECO góp ý: Để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, khởi nghiệp nên gắn với đổi mới sáng tạo với ba nền tảng chính là sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ. Ý tưởng đổi mới sáng tạo phải rất độc đáo, khác lạ nhằm tăng hiệu suất, giảm chi phí, phát triển thêm các thị trường mới và quan trọng nhất là đem lại giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải đổi mới sáng tạo nào cũng thành công, thậm chí rất dễ gặp thất bại. Vì vậy, trong kinh doanh không nên vội vã mà cần khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nỗ lực, chăm chỉ, kiên định…

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kiến thức cho thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, anh Vũ Minh Thảo, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết: Thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức một chuỗi các hội nghị tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Không chỉ hướng dẫn đoàn viên, thanh niên các bước viết dự án kinh doanh, kỹ năng thuyết trình về sản phẩm, kỹ năng trình bày dự án để vay vốn hoặc kêu gọi vốn đầu tư..., mục tiêu hướng đến là cung cấp cho thanh niên cách khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh như quản trị nhân lực, đầu tư, đàm phán, quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu, xây dựng và quản lý hệ thống bán hàng...