Hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hiện nay, cả nước có 22 tỉnh, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động thêm nguồn xã hội để hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; 62 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
0:00 / 0:00
0:00
Khám, chữa bệnh cho người dân tham gia bảo hiểm y tế tại tuyến huyện.
Khám, chữa bệnh cho người dân tham gia bảo hiểm y tế tại tuyến huyện.

Mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT

Mới đây, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu và phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2024. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phát triển số người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn những khó khăn.

Yếu tố thuận lợi thể hiện rõ ở việc người lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có nơi đạt tỷ lệ 100% như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… Cùng với đó, hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở đều quan tâm, tạo thuận lợi để người dân, người lao động có cơ hội tham gia BHXH, BHYT. Hiện có 22/63 tỉnh, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động thêm nguồn xã hội hóa để hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, 62/63 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Về phía người dân, ngày càng có nhiều người hiểu rõ tính ưu việt, nhân văn của các chính sách, nên chủ động tham gia.

Yếu tố khó khăn được nhận diện là, tình hình phát triển kinh tế - xã hội chưa hồi phục hoàn toàn sau những năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến một bộ phận người dân vẫn bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, nên dù muốn, họ vẫn chưa đủ khả năng tài chính để tham gia BHXH. Đây cũng là lý do khiến một bộ phận người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, làm quá trình tham gia BHXH bị gián đoạn hoặc buộc phải rút BHXH một lần lấy khoản tiền trang trải cho những khó khăn trước mắt…

Chủ động biến những thách thức thành cơ hội, ngành BHXH xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia năm 2024 phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng nhân rộng các mô hình hay, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 42-43%; tham gia BHTN đạt 33-33,5%. Chính sách BHYT mở rộng diện bao phủ đến 94,1% dân số…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hai tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT đối với hơn 27,39 triệu lượt người, với số tiền chi tăng 17,35% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm thực hiện hiệu quả cùng lúc hai nhiệm vụ: Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và bảo đảm cân đối nguồn quỹ, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai dự toán khám, chữa bệnh BHYT đến các địa phương; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện công cụ cảnh báo gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, tập trung vào những đơn vị có quy mô và số chi khám, chữa bệnh BHYT lớn.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương triển khai hiệu quả những quy định mới về BHYT; chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại địa phương, đơn vị. Theo hướng này, BHXH thành phố yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh; phòng, chống lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ. Ngoài ra, các sở y tế có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, xác minh các chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao do cơ sở tự phát hiện hoặc theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH, làm căn cứ điều chỉnh cho phù hợp các quy định hiện hành...

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Theo BHXH Việt Nam, lũy kế đến thời điểm hết tháng 2/2024, cả nước có 17,69 triệu người tham gia BHXH (trong đó có hơn 16,12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,568 triệu người tham gia BHXH tự nguyện). Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2023, số người tham gia BHXH tăng 3,23%, nhưng lại giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm (cuối năm 2023, cả nước có 18,26 triệu người tham gia BHXH (bằng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện...

Về nội dung này, tại hội nghị giao ban công tác tháng 3/2024 của ngành BHXH, Trưởng ban Quản lý thu - sổ thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, qua nắm tình hình tại 10 địa phương có tỷ trọng công nghiệp lớn, tập trung nhiều lao động, các cơ quan chức năng ghi nhận, do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp khó mở rộng số lượng người lao động. Cần quan tâm vấn đề nhu cầu tuyển dụng lao động cho lĩnh vực cần sử dụng rất nhiều lao động là dệt may, da giày... không cao, dẫn đến việc phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu của người lao động, tác động đến việc vận động, tăng mới số tham gia BHXH tự nguyện…

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH trong những tháng đầu năm giảm so với thời điểm cuối năm có tính chất “chu kỳ”, “lặp lại”, nên không đáng lo ngại. Ngoài những yếu tố khách quan, việc giảm số người tham gia còn có nguyên nhân chủ quan, không ít người lao động có nhu cầu chuyển đổi công việc, họ đang tạm nghỉ việc, tạm dừng tham gia BHXH vì chưa trở lại thị trường lao động. Còn những người chuẩn bị bước vào thị trường lao động, họ chưa vội tìm việc làm vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Khoảng thời gian người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm, tích lũy tài chính để tham gia BHXH thường bắt đầu từ quý II hằng năm…

Để đạt mục tiêu mở rộng tỷ lệ bao phủ BHXH đến 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2024, ngành BHXH từ trung ương đến cơ sở đã xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu và yêu cầu cơ quan BHXH chú trọng triển khai. Cùng với đó, ngành BHXH quan tâm nhân rộng các mô hình hay về phát triển BHXH tự nguyện…

Thời gian gần đây, một số người dân, đại diện tổ chức, cá nhân, đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương tiếp tục đề nghị bộ, ngành chức năng trả lời về những giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động trước tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH.

Trả lời nội dung này, tại Công văn số 2637/LĐTBXH-VP vừa ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, vấn đề bảo đảm quyền lợi BHXH của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp đã phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật được nhiều bên cùng quan tâm giải quyết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam về việc thực hiện chế độ BHXH đối với nhóm lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH.

Phương án được đưa ra là: Giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH. Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN và bảo đảm chế độ cho người lao động.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng BHXH”; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; quyết định hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Ngoài ra, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.