Không có thu nhập để duy trì lao động
Đóng cửa suốt hai năm vì dịch Covid-19, ông Trần Duy Quân, Giám đốc Công ty DVD Hà Nội vẫn trả đủ tiền lương để duy trì lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, sau khi đầu tư rất nhiều trang thiết bị mới chờ ngày tăng tốc trở lại thì công ty lại vấp phải tình trạng tồn kho do không bán được hàng. Không có thu nhập, ông Quân cho biết, đã phải cho gần 50 công nhân nghỉ hẳn, công ty cũng phải đóng cửa chưa biết bao giờ mở trở lại.
Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đồng Nai cho hay, trong các tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã cắt giảm hơn 32 nghìn người lao động (NLĐ), giảm giờ làm của hơn 35.000 người; tạm hoãn hợp đồng với gần 1.500 người. Cùng thời gian, có gần 10,6 nghìn người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Cách đây ít ngày, Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả khảo sát tình hình NLĐ và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn.
Kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây. Cụ thể, trong tổng số 8.343 NLĐ tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng theo Ban IV, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương thì TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, đều hơn 30%.
Về nguyên nhân, có 32,4% số NLĐ không có việc cho biết, họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh; 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội, chính trị các nước trên thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp. Hầu hết các nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ; lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao, các hoạt động kinh tế, nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra ảnh hưởng nguồn cung cấp năng lượng và chi phí sản xuất hàng hóa. Thị trường lao động của các nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.
Trong khi đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bốn tháng đầu năm giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức lớn cho thị trường lao động những tháng tới.
Bốn tháng đầu năm, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó: Số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 66.641 người, ngành da giày là 66.133 người, ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 24.848 người, ngành chế biến thủy, hải sản là 5.939 người, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 5.450 người.
Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 4.938 người, ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 2.243 người, ngành chế biến thủy, hải sản là 3.138 người, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 2.232 người… Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Nguyên nhân các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân,... Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được. Hệ lụy tiêu cực của xung đột giữa Nga - Ukraine khiến cho giá năng lượng tăng cao, làm gián đoạn các tuyến thương mại, nguồn cung nguyên liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất.
Đánh giá chung, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…
Do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt nhân lực sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Ứng phó cách nào?
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các chính sách đang thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề; Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...
Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính sách hỗ trợ riêng, có lợi cho người lao động. Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho người lao động, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định; cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ người lao động riêng như Đồng Nai...
Ban IV đánh giá, xu hướng số lượng NLĐ bị mất việc tại các doanh nghiệp tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023. Dự báo còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm khi kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây chỉ ra “trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% số doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên”.
Bởi vậy, Ban IV cho rằng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho NLĐ, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ hỗ trợ gián tiếp cho NLĐ.
Các nhóm giải pháp Ban IV nêu lên như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho DN vay trả lương cho NLĐ hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động,…
Ban này lưu ý: Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.