Chủ động, kịp thời
Mới đây, trong lúc nấu ăn, chị Nguyễn Thanh Hà (phường An Khê, quận Thanh Khê) không cẩn thận làm ngọn lửa bùng cháy ở bếp ga. Tại thời điểm đó, trong nhà có cụ già và hai bé nhỏ. Chị Hà nhanh chóng chạy ra phía trước nhấn chuông báo động của mô hình “Tổ liên gia PCCC”. Ngay sau đó, các hộ lân cận có mặt cùng bình chữa cháy mini, nhanh chóng dập tắt ngọn lửa.
Tương tự, giữa tháng 9 vừa qua, ông Trần Hữu Đạt (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) trong lúc thắp hương, vô tình làm đổ đèn dầu khiến ngọn lửa nhanh chóng bùng lên. Ngay lập tức ông Đạt bấm chuông báo động và cùng mọi người dùng bình chữa cháy được trang bị tại nhà dập tắt đám cháy. Nhắc lại sự việc, ông Đạt không giấu được bàng hoàng: “Lửa bùng lên khi tất cả vợ con tôi đều đang ở nhà. Nếu lúc đó không có bình chữa cháy cầm tay và sự hỗ trợ của mọi người thì không biết mọi việc sẽ ra sao”.
Ông Phạm Văn Ba, Trưởng “Tổ liên gia PCCC” thuộc tổ 19, phường Thanh Khê Đông, cho biết, trước đây mỗi khi xảy ra cháy, người dân thường gọi điện cho lực lượng PCCC thành phố và dùng nước, cát dập lửa tạm thời. Một số hộ có trang bị bình chữa cháy mini nhưng kỹ năng sử dụng còn hạn chế nên thiệt hại vẫn xảy ra. Khi “Tổ liên gia PCCC” ra đời, tất cả các hộ đều được trang bị bình chữa cháy mini, được tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, đồng thời bấm chuông kêu gọi hỗ trợ từ các hộ lân cận, nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Còn theo ông Phạm Thành Nam, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, từ khi có “Tổ liên gia PCCC”, công an phường đã tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các hộ dân tại các tổ, hướng dẫn sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu và các kỹ năng cơ bản cần thiết nhất để thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Nhân rộng mô hình
Đại diện UBND quận Thanh Khê cho biết, mô hình trên đang được triển khai rộng rãi tại hầu hết các phường trên toàn quận. Phường An Khê có 8 tổ với 49 điểm PCCC, phường Thanh Khê Đông có 28 tổ với 60 điểm PCCC, phường Thanh Khê Tây có 10 tổ…
Tại quận Hải Châu, nhiều mô hình bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cũng lần lượt ra đời. Chủ tịch UBND phường Thanh Bình Võ Duy Lâm cho biết, địa phương vừa ra mắt ba mô hình gồm: “Tổ liên gia PCCC” tại khu dân cư Tân Lập, các điểm chữa cháy công cộng và “Tổ xung kích PCCC” với phương tiện chữa cháy nhỏ gọn, dễ di chuyển vào các kiệt, hẻm nhỏ. Cũng theo ông Võ Duy Lâm, toàn phường hiện có 11 “Tổ liên gia PCCC” và 32 điểm chữa cháy công cộng được trang bị dụng cụ chữa cháy, tiêu lệnh, hướng dẫn chữa cháy. Trong khi đó, UBND phường Hòa Cường Bắc cũng thực hiện mô hình “Lối thoát hiểm”, yêu cầu người dân không tự ý cải tạo, đổ rác, chiếm dụng hay đặt, để vật dụng tại các lối thoát hiểm nhằm tạo sự thông thoáng, dễ thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Tại các khu vực có nhiều khu nhà trọ, công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy rất được cấp quản lý chú trọng. Điển hình là mô hình “Liên khu trọ an toàn, bảo đảm an ninh trật tự và PCCC” tại kiệt 123/H41 Cù Chính Lan (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê). Theo đó, tại điểm đầu và cuối tuyến đường có camera giám sát; 100% hộ dân tại đây có trang bị bình chữa cháy xách tay; ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC; khu dân cư có tủ và bình chữa cháy mini, bảng tiêu lệnh, hướng dẫn về PCCC. Bên cạnh trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay, kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý khi có cháy nổ xảy ra, đồng thời diễn tập phương án chữa cháy tại khu dân cư cho người dân.
“Tổ liên gia PCCC” gồm một số hộ gia đình liền kề (thường là năm đến bảy hộ). Mỗi hộ được trang bị bình chữa cháy xách tay, các dụng cụ chữa cháy, lắp đặt chuông báo cháy, được kết nối liên thông với nhau để khi có sự cố tại một nhà, các nhà khác đều biết để kịp thời hỗ trợ và chủ động chữa cháy tại chỗ.