Theo đánh giá, với tần suất mưa cực lớn như vậy, nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang “cắt” hơn 310 triệu m3 nước lũ này thì các xã vùng hạ du huyện Vũ Quang và thượng Đức Thọ sẽ bị ngập sâu trong biển nước. Chưa hết, nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 (lên huyện Vũ Quang) có thể bị nhấn chìm trong nước; trung tâm huyện lỵ huyện Vũ Quang sẽ bị nước lũ cô lập.
Công tác ở huyện Vũ Quang gần 20 năm, ông Nguyễn Đăng Kỷ cho biết: Hai bố con chúng tôi thường phải về nhà ở Đức Thọ trên tuyến tỉnh lộ 5, rất ái ngại vào mùa mưa lũ, khi đường thường xuyên bị ngập, việc đi lại cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Trước đây, vào các đợt mưa lũ, nhiều đoạn tỉnh lộ 5 (đoạn từ thị trấn Vũ Quang xuống cầu Chợ Bộng) bị ngập, nước chảy xiết, và đã có người thiệt mạng khi cố tình vượt qua khu vực nước xiết đó.
Trong khoảng 10 năm lại đây, tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã xảy ra nhiều đợt mưa lũ, lụt lịch sử. Ghê gớm nhất là các đợt năm 2010, 2016, lượng mưa 400 - 500 mm kéo dài nhiều giờ trên diện rộng, khiến nhiều địa phương của hai huyện miền núi này càng bị nhấn chìm trong biển nước, đặc biệt khi Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ. Lúc này, các xã hạ du vùng Vũ Quang nằm dọc theo tỉnh lộ 5, người dân muốn đi lại đều phải di chuyển bằng thuyền thay cho đường bộ.
2. Nhìn lại những ngày đầu tháng 9 vừa qua, lượng mưa ở thượng nguồn các huyện miền núi này cũng cực lớn, tổng lượng mưa cả đợt vào khoảng 1.000 mm nên Thủy điện Hố Hô cũng buộc phải xả lũ. Nhưng nhờ có hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang giảm tải lũ cho sông Ngàn Sâu nên toàn bộ vùng hạ du huyện Vũ Quang như Đức Liên, Đức Giang, Đức Hương, Đức Long về đến Đức Lạc, Đức Hòa… và vùng thượng Đức Thọ không bị ngập sâu như trước đây, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra. Các tuyến đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 không bị ngập đoạn nào, việc đi lại của người dân và các lực lượng cứu hộ trong mưa lũ khá thuận lợi.
Với cao trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8 m, dung tích hồ chứa 775 triệu m³, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang cho thấy hiệu quả tích nước và điều tiết lũ hiệu quả cho vùng hạ du. Điều này rất cần được các đơn vị, cơ quan chức năng phối hợp phát huy để giảm thiểu thiệt hại cho người dân mỗi khi xảy ra mưa bão, úng lụt.